Soái ca chia sẻ quy tắc nhậu nhẹt khiến vợ, con "khóc thầm"

( PHUNUTODAY ) - Mới đây, một status đăng tải nguyên văn mẫu chuyện về quy tắc nhậu nhẹt của ông chồng đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Tiệc tùng trên bàn nhậu có thể đem lại niềm vui nhất thời cho cánh đàn ông, nhưng nếu điều đó mang lại sự lo lắng và gây ra nhiều hậu quả cho người thân trong gia đình.

Cũng như phụ nữ thích làm đẹp thì đàn ông thích nhậu. Cũng không hẳn là thích nhậu, mà họ thích tụ họp lại bàn luận nhiều vấn đề sôi nổi trong cuộc sống của cánh đàn ông.

Thế nhưng nếu chỉ vin vào một vài cái cớ không đáng để tụ tập nhậu nhẹt, say sưa thì thật là lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe và ti tỉ những điều tiêu cực khác.

Một bài bình luận xuất hiện trên mạng xã hội dưới góc nhìn độc đáo của tác giả sẽ lý giải cho cánh đàn ông biết rõ, tại sao nên ngừng việc nhậu nhẹt sau mỗi giờ tan tầm và về nhà ăn một bữa cơm tối đầm ấm.

"Mấy hôm nay trên Facebook đang chia sẻ hình ảnh này. Bối cảnh là một bàn nhậu, tất cả những người tham gia tuân thủ một luật chơi duy nhất: Gom hết điện thoại vào một rổ, và vợ ai gọi đầu tiên người đó phải trả tiền cho toàn bộ bàn nhậu.

Tôi không thấy hài hước. Tôi chỉ thấy xót xa. Để tham gia vào những cuộc nhậu như vậy, người ta đã mất đi mấy tiếng đồng hồ trong một ngày, chưa tính đến những cuộc nhậu tràn cung mây chết bỏ, về nhà vào lúc nửa đêm trong tình trạng half man half noodle.

Tôi không phủ nhận là có những mối quan hệ công việc được xây dựng trên bàn nhậu, có những hợp đồng được quyết định sau khi đi nhậu với nhau, vì nói gì thì nói, có rất nhiều đối tác kinh doanh thực sự thích nhậu (như phần lớn chúng ta vậy).

Trên một phương diện nào đó, có thể ưu tiên cho những cuộc nhậu đó: để thấy cầu vồng, chúng ta phải học cách chịu đựng những cơn mưa.

Nhưng tôi không muốn nói đến kiểu nhậu đó. Bạn bè tụ tập sau một trận bóng, một kèo tennis, hoặc thậm chí tan giờ làm chưa muốn về nhà là bốc điện thoại gọi cho mấy người hay chơi cùng, và...nhậu. Chẳng vì một lý do gì đặc biệt cả.

Ngồi vào thì ép nhau uống bằng say mới chịu. Anh nào uống khá còn đỡ, anh nào tửu lượng kém thì cứ gọi là tập xác định. Khi cái miệng uống không còn thấy ngon, mọi lý do từ chối đều không được chấp nhận.

Đang uống thuốc, có bệnh đau dạ dày, đau đại tràng, thậm chí viêm gan, cũng đều bị gạt phăng sang một bên. "Mày đau một, anh còn đau mười, thế mà vẫn uống đấy thôi".

"Uống thuốc hả, rượu với thuốc là thành rượu thuốc đấy, uống đi". Và đến lúc này thì mọi cuộc điện thoại từ gia đình đều bị coi là làm phiền. Đặc biệt là của vợ.

Quay trở lại với luật chơi bàn nhậu. Để yên ổn nhậu với bạn bè, người ta phải nói dối vợ: đang họp, đang tiếp khách, đang làm việc với đối tác, đang... xây dựng quan hệ… Thậm chí mắng chửi vợ, răn đe trước.

Họ không biết, hoặc không thèm biết rằng vợ mình cũng vật lộn với công cuộc kiếm tiền như mình, chiều tan sở tất tả chạy đi đón con, tạt vội qua chợ kiếm món gì làm bữa tối cho gia đình sum vầy, về nhà lại sấp ngửa một tay tắm rửa cho con, tay kia quét dọn nhà cửa nấu nấu nướng nướng, để rồi ngồi chờ chồng bên mâm cơm nguội lạnh.

Và gọi điện mời chồng về ăn cơm để có vợ có chồng, để con trẻ được bi bô với bố về trường lớp, thì hoặc là không thèm nghe máy, hoặc là bị dội vào đầu một gáo nước lạnh: Anh đang họp/tiếp khách.

Và cứ thế con cái nhìn bố như người lạ.

Và cứ thế vợ chồng cứ dần xa nhau".

Tác giả: Nguyễn Tài Tiến