Sự thật về mũi tiêm "đẻ không đau" mà 90% mẹ Việt vẫn hiểu lầm bấy lâu nay

( PHUNUTODAY ) - Đẻ không đau hay thủ thuật gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được nhiều mẹ bầu lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đủ và đúng về phương pháp "đẻ không đau" này.

Mũi tiêm "đẻ không đau" là gì?

Đau đẻ luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh đối với chị em phụ nữ khi sinh con. Điều này dễ gây ảnh hướng đến tâm, sinh lý của sản phụ. Chính vì thế mà gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được khá nhiều các mẹ lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều hoài nghi và lời truyền miệng không chính xác về phương pháp "đẻ không đau" này.

Đầu tiên, các mẹ cần phải biết rằng để "đẻ không đau" các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê ngoài màng cứng. Nó là phương pháp làm mất cảm giác từ bụng đến chân thông qua một mũi tiêm vào sống lưng. Thuốc gây tê được đưa vào ngoài màng cứng qua một ống nhỏ (gọi là catheter) sau đó thuốc sẽ phủ kín các dây thần kinh khiến chúng tê liệt, nhờ đó ngăn chặn được quá trình dẫn truyền cảm giác đau.

Gây tê ngoài màng cứng và gây tủy sống là 2 phương pháp khác nhau. Gây tê tuỷ sống thường áp dụng trong mổ lấy thai.

Gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ giảm được đau đớn trong chuyển dạ. Sản phụ sẽ ít bị chịu đau, giảm 70-80% đau đớn so với bình thường. Nhờ đó mà cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra dễ dàng hơn, nhanh hơn và do đó em bé cũng ít bị sang chấn hơn.

Sản phụ sẽ không cảm thấy đau nhưng vẫn vận động được, vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình vượt cạn. Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ một lượng thuốc rất nhỏ có thể tiếp cận với em bé, vì vậy nó rất an toàn cho bé.

Tại các bệnh viện, mũi giảm đau bằng phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng thường được tính ngoài giá dịch vụ sinh nở, dao động khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/mũi.

Sự thật về gây tê ngoài màng cứng gây đau lưng cho phụ nữ sau sinh

Nhiều phụ nữ lo ngại vấn đề tiêm mũi gây tê ngoài màng cứng gây ra hiện tượng đau vùng thắt lưng sau khi sinh. Đây là lý do quan trọng khiến nhiều nhiều sản phụ nhất quyết không chọn phương pháp giảm đau này khi sinh thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giữa một người dùng giảm đau ngoài màng cứng với một người không sử dụng thì việc sau sinh, sau mổ phải ngồi cho bé bú, cả hai đều có khả năng đau lưng như nhau.

Lý do nhiều người đau lưng sau sinh là do tư thế sai khi ngồi cho bé bú, thay tã, thức chăm bé, ngồi nhiều hơn là nằm nghỉ ngơi...

Tác giả: Thanh Huyền