Tác hại khôn lường của việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ

( PHUNUTODAY ) - Khi bé gặp vấn đề như cảm cúm, sổ mũi, thì điều đầu tiên nhiều bà mẹ nghĩ đến là sử dụng thuốc nhỏ mũi. Thuốc nhỏ mũi có thể giúp bé giảm bớt hiện tượng sổ mũi, nhưng nếu quá lạm dụng, chúng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Theo các bác sĩ, việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Vì vậy, mẹ nên hạn chế sử dụng thuốc nhỏ mũi đối với trẻ và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.

Nguy cơ gây phù nề 

Những loại thuốc như Naphazolin hoặc thuốc có thành phần chống co mạch thì nếu cha mẹ dùng nhiều sẽ gây tình trạng giảm oxy trong mĩ dẫn đến phù nề.

Phù nề trong hốc mũi sẽ gây nghẹt mũi và lại dùng nhiều thuốc nhỏ mũi hơn. Vô tình, sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến thuốc mất đi tác dụng.

Đối với trẻ sơ sinh, thuốc co mạch không chỉ cư trú ở niêm mạc mũi mà còn gây co mạch toàn thân, ở tim gan thận… gây tím tái, vã mồ hôi.

Khiến nhịp tim tăng lên

Nếu dùng lâu ngày, niêm mạc mũi sẽ không còn khả năng đáp ứng với các thuốc co mạch nữa, dẫn đến hiện tượng giãn mạch, phù nề niêm mạc, khiến bệnh nhân phải tăng liều lên mới hết nghẹt mũi. Khi liều được tăng đến một mức nào đó, hiện tượng tăng nhịp tim sẽ xảy ra.

Có thể khiến mũi bị teo, làm thủng vách ngăn mũi

Ngoài gây tác dụng như nhức đầu chóng mặt và hồi hộp, những loại thuốc nhỏ mũi gây co mạch cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng đến niêm mạc mũi, đó là teo mũi hoặc nặng hơn là thủng vách ngăn mũi của trẻ.

Lưu ý khi cho trẻ sử dụng thuốc nhỏ mũi

Đối với trẻ dưới 7 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà các bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi.

Nếu sổ mũi, nghẹt mũi tiếp tục nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị. Nên lưu ý, rối loạn về mũi không chỉ là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh mà là khởi đầu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang… rất cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị tốt ngay từ đầu để không bị bất lợi về sau.

Tác giả: Nguyễn Thủy Hằng