Tại sao không nên rửa thịt gà dưới vòi nước chảy? Nhiều người sẽ giật mình thay đổi ngay

( PHUNUTODAY ) - Thịt gà là thực phẩm phổ biến nhưng nhiều người không biết rằng chúng tiềm chứa nhiều nguy cơ và rửa thịt gà dưới vòi nước chảy sẽ có thể gây nguy hiểm.

Rửa thịt gà là một thói quen phổ biến của nhiều người nội trợ Việt Nam, nhằm loại bỏ bụi bẩn và mùi hôi trước khi chế biến. Đặc biệt thịt mua ngoài chợ thường không được làm sạch.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế và an toàn thực phẩm, việc rửa thịt gà dưới vòi nước chảy không những không làm sạch vi khuẩn mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao không nên rửa thịt gà dưới vòi nước và cách làm sạch đúng cách để đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

1. Vì sao không nên rửa thịt gà dưới vòi nước chảy?

Trong khi rửa rau củ quả được khuyến cáo rửa dưới vòi nước chảy thì thịt gà lại không nên làm theo cách này. Đó là vì:

1.1. Vi khuẩn dễ lây lan ra bề mặt xung quanh: Thịt gà sống là một trong những loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt là vi khuẩn Campylobacter, Salmonella – nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Khi bạn rửa thịt gà dưới vòi nước chảy, dòng nước mạnh sẽ khiến vi khuẩn từ bề mặt thịt bắn ra xung quanh bồn rửa, mặt bàn, thớt, chén bát và thậm chí cả quần áo, làm tăng nguy co cho nhiễm khuẩn chéo vi khuẩn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa thịt gà bằng nước không tiêu diệt được vi khuẩn mà còn có nguy cơ phát tán chúng ra khu vực bếp, gây mất an toàn thực phẩm trong gia đình.

Rửa thịt gà dưới vòi nước chảy có thể làm phân tán vi khuẩn gây hại

1.2. Không loại bỏ được vi khuẩn như mong đợi: Nhiều người tin rằng rửa thịt gà sẽ giúp làm sạch vi khuẩn. Tuy nhiên, thực tế là vi khuẩn bám sâu bên trong thịt sẽ không bị loại bỏ bằng nước lạnh. Việc rửa chỉ có tác dụng làm sạch phần bụi bẩn bên ngoài, nhưng lại không thể tiêu diệt được các vi khuẩn gây bệnh – điều mà chỉ nhiệt độ cao trong quá trình nấu chín mới có thể làm được.

1.3. Làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm: Việc vi khuẩn phát tán ra khu vực bếp không chỉ ảnh hưởng đến người nấu ăn mà còn lan sang các thực phẩm khác như rau sống, trái cây nếu để gần. Điều này làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch yếu.

2. Vậy làm sao để làm sạch thịt gà đúng cách?

2.1. Không rửa dưới vòi nước mà dùng các cách khác:

Thay vì rửa dưới vòi, bạn có thể sử dụng các phương pháp sau:

  • Rửa trong chậu nước: Thay vì rửa luôn dưới vòi nước chảy làm nước bắn tung tóe thì bạn cho nước vào trong chậu riêng, cho gà vào rửa. Sau đó đổ gọn phần nước đó vào miệng ống cống và rửa sạch lại thau
  • Lau khô bằng khăn giấy dùng một lần: Dùng khăn giấy thấm sạch chất dịch, máu thừa hoặc bẩn trên bề mặt thịt gà. Sau đó, vứt khăn giấy vào thùng rác và rửa sạch tay bằng xà phòng.
  • Khử mùi bằng nguyên liệu tự nhiên: Nếu bạn muốn khử mùi hôi, có thể dùng hỗn hợp giấm ăn pha loãng hoặc nước muối loãng. Ngâm thịt gà trong vài phút rồi để ráo nước. Không nên ngâm quá lâu vì sẽ làm thịt mất độ tươi. Sau đó nhớ đổ gọn gàng nước này vào ống cống, không làm chúng bắn tung tóe vương vãi.

2.2. Nấu chín kỹ để tiêu diệt vi khuẩn:

Theo CDC, nhiệt độ bên trong thịt gà cần đạt ít nhất 74°C (165°F) để đảm bảo vi khuẩn gây hại được tiêu diệt hoàn toàn. Bạn nên dùng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra, đặc biệt khi nướng hoặc quay nguyên con. Nếu không có nhiệt kế, hãy đảm bảo thịt không còn màu hồng, nước thịt trong và không còn máu.

Rửa thịt gà gọn gàng trong chậu và đổ nước gọn gàng

2.3. Vệ sinh tay và dụng cụ sau khi tiếp xúc với thịt sống:

Rửa tay kỹ bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây sau khi chạm vào thịt gà sống.

Vệ sinh tất cả bề mặt và dụng cụ (dao, thớt, bát đựng) bằng nước nóng và nước rửa bát sau khi sử dụng.

Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và rau quả để tránh lây nhiễm chéo.

3. Một số lưu ý quan trọng khi chế biến thịt gà

Không nên để thịt gà sống gần thực phẩm ăn liền như trái cây, rau sống, bánh mì.

Bảo quản lạnh đúng cách: Thịt gà sống nên được bảo quản trong ngăn mát ở 0–4°C và dùng trong vòng 1–2 ngày. Nếu chưa sử dụng ngay, hãy trữ đông để tránh vi khuẩn phát triển.

Khi rã đông, nên rã đông trong tủ lạnh qua đêm thay vì để ở nhiệt độ phòng.

Rửa thịt gà dưới vòi nước chảy là một thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do phát tán vi khuẩn ra môi trường xung quanh. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình, điều quan trọng là không rửa thịt gà dưới vòi nước, thay vào đó hãy áp dụng các phương pháp làm sạch và chế biến đúng cách. Việc nâng cao ý thức trong xử lý thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng.

Tác giả: Như Bình