Đây là nội dung mới được quy định trong Luật BHXH năm 2024, so với quy định hiện hành. Theo đó, Luật BHXH năm 2024 quy định về điều kiện trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Đó là: Lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Theo quy định hiện hành Luật BHXH năm 2014, chỉ có một mức tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đối với lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn mức tối đa 75% (lao động nam có thời gian đóng cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng cao hơn 30 năm).
Còn tại Luật BHXH năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu (Điều 68).
Theo đó quy định 2 mức: Bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, mà tiếp tục đóng BHXH, thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho mỗi năm đóng cao hơn số năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Luật BHXH năm 2024 cũng quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH từ 1/1/2025. Cụ thể, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian.
Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định.
Chính phủ quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.
Khi thực hiện Luật BHXH 2024, Bộ LĐ-TB&XH dự báo có nhiều người lao động hơn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như: Chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố;
Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất. Đáng chú ý, sẽ có nhiều người lao động hơn được hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp hàng tháng, có nguồn thu nhập ổn định, được bảo đảm BHYT khi đến tuổi nghỉ hưu.
Điều này có được thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn, thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Cùng với việc thêm nhiều người có lương hưu, nhờ bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, giúp nhiều người cao tuổi hơn được hưởng trợ cấp BHXH.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, Luật BHXH năm 2024 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi tham gia trong lĩnh vực BHXH, nhất là trong việc tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tác giả: Mộc
-
10 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng Bảo hiểm y tế, là ai?
-
3 thay đổi quan trọng về Giấy phép lái xe áp dụng từ ngày 1/1/2025: Ai không biết dễ thiệt thòi
-
Đóng BHXH lao động nam khi vợ sinh con được hưởng chế độ gì?
-
Chú ý, từ 1/2025, áp dụng quy định mới về bật đèn và còi xe, cẩn thận bị phạt nặng
-
Trên thẻ BHYT có 1 điểm này, người dân đi khám chữa bệnh hưởng quyền lợi cao nhất