Tết Đoan Ngọ 2025: Đây là khung giờ vàng làm lễ cúng để cầu gì được nấy, vạn sự hanh thông

( PHUNUTODAY ) - Gia chủ có thể lựa chọn khung giờ đẹp để thực hiện lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2025, thể hiện mong ước mọi việc hanh thông, làm gì cũng thuận lợi.

Khung giờ đẹp cúng Tết Đoan Ngọ 2025

Đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống lớn, được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch. Người xưa tổ chức lễ này với ý nghĩa bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh, giúp con người thanh lọc cơ thể, phòng ngừa bệnh tật. Khoảng thời gian này hằng năm chính là thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi, dịch bệnh dễ dàng phát triển và con người cũng dễ bị ảnh hưởng.

Tết Đoan Ngọ 2025, tức 5/5 âm lịch rơi vào thứ Bảy ngày 31/5 Dương lịch. Dịp lễ năm nay rơi vào cuối tuần cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình làm lễ cúng.

Thông thường, khoảng giờ Ngọ khoảng từ 11h-13h là khung giờ các gia đình làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Trong một năm, đây là lúc mặt trời và trái đất ở gần nhau nhất, chính là thời điểm nhiều dương khí nhất, thời tiết nóng nhất. Người xưa cho rằng đây là lúc thích hợp để diệt sâu bọ.

Theo lịch vạn niên, các khung giờ đẹp trong ngày 5/5 âm lịch năm 2025 gồm Tý (23h-1h), Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h) và Dậu (17h-19h).

Tuy nhiên, giờ Tý và giờ Sửu là ban đêm nên không được lựa chọn để làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.

Khung giờ Ngọ được nhiều gia định lựa chọn nhất. Ngoài ra, có thể chọn khung giờ Mão. Đây được coi là thời điểm vượng tài, tốt cho việc cúng Thần Tài - Ông Địa. Trong khi đó, giờ Thân sẽ phù hợp với những gia đình không thể làm lễ cúng vào buổi sáng.

Tùy vào điều kiện cụ thể mà gia chủ chọn ra khung giờ cúng phù hợp, miễn sao thể hiện sự chỉn chu trong việc dâng lễ cũng như như thành tâm khi làm lễ.

Gia chủ có thể chọn khung giờ đẹp, phù hợp với điều kiện gia đình để thực hiện lễ cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch.

4 việc nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người xưa thường làm lễ cúng, thực hiện một số việc để diệt trừ sâu bọ, bảo vệ mùa màng cũng như sức khỏe của con người.

  • Cúng Tết Đoan Ngọ

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm lễ cúng với các món ăn truyền thống như cơm rượu nếp, bánh ú tro, thịt vịt, trái cây tươi... để dâng lên thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, công việc hanh thông, cả nhà khỏe mạnh. Tùy theo điều kiện gia đình, phong tục địa phương mà gia chủ có thể lựa chọn vật phẩm dâng cúng cho phù hợp. Việc thực hiện nghi lễ cần thể hiện sự thành kính, tôn trọng bề trên, không cần mâm cao cỗ đầy.

  • Thực hiện nghi thức diệt sâu bọ

Người xưa sẽ diệt sâu bọ bằng các món ăn như cơm rượu nếp, trái cây. Ở miền Bắc, ngay sau khi thức dậy, người dân sẽ thực hiện nghi thức này ngay.

Khi vừa thức dậy và vẫn còn ở trên giường, trẻ nhỏ sẽ được cho ăn hoa quả, trứng luộc và một ít rượu nếp. Việc này được thực hiện trước khi trẻ vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, người lớn sẽ súc miệng ba lần rồi ăn trứng luộc, cơm rượu nếp để sâu bọ sau; tiếp đó là ăn trái cây để tiêu diệt chúng.

  • Tắm nước lá

Vào ngày 5/5 âm lịch, còn có một phong tục khác mà người xưa hay thực hiện để diệt sâu bọ, bảo vệ sức khỏe con người là tắm bằng các loại nước lá. Các loại lá quen thuộc hay được sử dụng để đun nước tắm gồm tía tô, mùi, kinh giới, lá tre... Việc tắm nước lá này giúp cơ thể đổ mồ hôi, mang lại cảm giác thoải mái, sảng khoái và giúp cơ thể thơm tho.

  • Gội đầu, xông lá thơm

Các loại lá thơm còn được dùng để dun nước xông, nước gội đầu. Xông người bằng lá thơm lá bưởi, lá tía tô, sả, tre, kinh giới... có tác dụng phòng cảm mạo. Gội đầu bằng nước nấu từ những loại lá này giúp tóc mượt, đen bóng.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Nguyệt Tú