Khi nào được tính là tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục?
BHYT 05 năm liên tục là gì?Hiện hành, trên thẻ BHYT sẽ ghi nhận thông tin thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng. (Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)
Cụ thể, theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020 thì thời điểm đủ 05 năm liên tục in từ ngày …/…/… tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục theo quy định hiện hành, cụ thể:
- Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì in từ ngày 01/01/2015.
- Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT chưa đủ hoặc bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì in từ ngày đầu tiên của năm thứ 6.
Như vậy, BHYT 05 năm liên tục là khi một người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên, trường hợp có gián đoạn thì tối đa không quá 03 tháng.
Điều kiện được hưởng BHYT 05 năm liên tục
Điều kiện để người bệnh được hưởng BHYT 05 năm liên tục bao gồm:
- Có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên;
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương ứng với 8.940.000 đồng).
Số tiền cùng chi trả/chi phí đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng của loại thẻ BHYT.
Ví dụ: Thẻ BHYT có mức hưởng 80% thì người bệnh phải đồng chi trả 20% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
- Đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Hồ sơ hưởng BHYT 05 năm liên tụcTheo Thông báo 2298/TB-BHXH năm 2018, người có đủ điều kiện được thanh toán nộp cho cơ quan BHXH các giấy tờ sau để được giải quyết chế độ:
- Thẻ BHYT có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ dd/mm/yy” và Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao).
- Hóa đơn viện phí (bản chính).
Tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục được thanh toán như thế nào?
Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế quy định về mức hưởng Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các Điểm a, d, e, g, h và i Khoản 3 Điều 12 của Luật này.
Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;
- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;
- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng công an quân đội, người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ dưới 6 tuổi; người thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Như vậy, nếu người bệnh không thuộc các nhóm này, mức hưởng khi khám chữa bệnh sẽ là 80%.
Để được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, người bệnh phải đáp ứng đủ 3 điều:
- Tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên (nếu có thời gian gián đoạn thì chỉ được gián đoạn tối đa không quá 3 tháng);
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
- Khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Mức lương của viên chức trong thời gian tập sự có thay đổi hay không?
-
8 đối tượng bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng
-
Ai được tăng lương tối thiểu vùng 6%? Cách tính lương công nhân viên chức mới nhất 2022
-
Chỉ cần nhìn 1 ký hiệu trên thẻ BHYT, biết ngay mức hưởng BHYT cao nhất là bao nhiêu phần trăm
-
3 điểm rõ nhất để phân biệt CCCD gắn chíp và thẻ mã vạch, người dân cần xem lại thẻ của mình ngay