Thấy dấu hiệu này, mẹ bầu nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao, hãy cẩn thận

( PHUNUTODAY ) - Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là do tuyến tuỵ không sản xuất đủ hormon insulin. Insulin tích trữ đường khi cơ thể chưa sử dụng hết và điều chỉnh lượng đường trong máu.

Khi mang bầu, cơ thể mẹ sản xuất insulin nhiều hơn nhu cầu của cơ thể để đáp ứng nhu cầu của thai nhi trong quá trình mang bầu. Đặc biệt là khi đến tháng thứ 5 – thời điểm thai đang phát triển rất nhanh. Nếu cơ thể người mẹ đáp ứng vượt cả nhu cầu của thai nhi sẽ dẫn tới mắc chứng tiểu đường thai kỳ.

Các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ sẽ phải đối diện với các nguy cơ: thai to; tiền sản giật...

Các thai phụ bị đái tháo đường có thể gây biến chứng cho thai: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai, dị tật bẩm sinh, biến chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm hội chứng suy hô hấp, hạ canxi máu, hạ đường huyết, chứng tăng hồng cầu và tăng bilirubine máu.

Tiểu đường thai kỳ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Trong suốt quá trình mang thai, chế độ ăn và uống của bạn thay đổi khá nhiều. Điều này khiến cho biểu hiện của việc mang thai thông thường và triệu chứng tiểu đường thai kỳ dễ bị lẫn với nhau.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ thường không rõ rệt tuy nhiên mẹ có thể theo dõi tình hình sức khỏe, nếu thấy những biểu hiện dưới đây, hãy lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra.

Dễ đói

Khi lượng đường trong máu của người mẹ quá cao, lượng đường trong máu không thể vào trong tế bào, không thể sử dụng cho tế bào, kích thích sự hưng phấn của não bộ. Do đó, người mẹ dễ bị đói, từ đó dẫn đến việc tăng lượng thức ăn. Nhiều chị em nghĩ rằng gia đoạn mang thai cần phải ăn cho hai người nên việc thường xuyên cảm thấy đói là bình thường và dấu hiệu này dễ bị bỏ qua.

Dễ khát

Trong suốt quá trình mang thai, chế độ ăn và uống của bạn thay đổi khá nhiều. Điều này khiến cho biểu hiện của việc mang thai thông thường và triệu chứng tiểu đường thai kỳ dễ bị lẫn với nhau.

Nếu thấy mình thường xuyên khát nước, dù đã uống rất nhiều nước mỗi ngày, thì hãy đề cập với bác sỹ về biểu hiện này.

Giảm cân

Việc ăn nhiều hơn mà vẫn bị giảm cân là một dấu hiệu bất thường. Bởi vì nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu cao, việc sử dụng glucose của cơ thể sẽ giảm, quá trình phân hủy chất béo tăng lên, quá trình tổng hợp chất đạm không đủ và quá trình phân hủy được đẩy nhanh... tất cả đều gây ra giảm cân. Tương tự, quá trình bệnh càng kéo dài, lượng đường trong máu càng cao, tình trạng nghiêm trọng sẽ gây giảm cân rõ rệt.

Đi tiểu nhiều hơn

Thông thường khi cảm thấy khát, bạn uống nước nhiều hơn, quá trình đào thải nước tiểu sẽ diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, việc buồn tiểu liên tục lại có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường, thậm chí bạn không uống nhiều nước.

Trên thực tế, việc mang thai cũng khiến cho bạn phải đi tiểu tiện nhiều hơn. Nếu để ý thấy sự thay đổi lớn về tần suất đi tiểu một cách bất thường, mẹ bầu cần đi kiểm tra sức khỏe ngay. Hơn nữa, đó cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm đường tiết niệu.

Mệt mỏi và ốm yếu

Lượng đường trong máu không thể xâm nhập vào tế bào khiến tế bào thiếu năng lượng. Vì vậy mẹ bầu có lượng đường trong máu cao hơn bình thường thường cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Xuất hiện nhiều tưa lưỡi

Tưa lưỡi xuất hiện dày, liên tục là biểu hiện của việc cơ thể thừa đường. Khi mắc tiểu đường thai kỳ, lượng đường thừa trong cơ thể là nguồn nuôi dưỡng cho nấm candida sinh sôi, dẫn tới hình thành tưa. Nếu mẹ bầu bị tưa lưỡi, khả năng mắc tiểu đường thai kỳ là rất cao.

Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng trên khi đang mang thai, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra. Theo các chuyên gia, thai phụ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm lượng đường huyết ở tuần thai khoảng 28.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ:

Thừa cân, béo phì.

Tiền sử gia đình: có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.

Tiền sử sinh con ≥ 4000g.

Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.

Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.

Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.

Hội chứng buồng trứng đa nang.

Bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai, có nhiều nguy cơ cho người mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.

Tác giả: Thanh Huyền