Tổ tiên căn dặn: '50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may áo'?

( PHUNUTODAY ) - Có 1 câu nói lưu truyền từ xưa rằng: 50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may áo'? Bạn có hiểu hết ý nghĩa câu này không?

50 không xây nhà

Câu nói này xuất phát từ câu nói của Khổng Tử, cụ thể nhà hiền triết từng nói: “Ta quyết chí học năm 15 tuổi, hiên ngang tuổi 30, chẳng nghi ngờ gì năm 40 tuổi, và biết thiên chức khi 50 tuổi.” Từ xa xưa cha ông đã quan niệm, năm mươi tuổi chính là cái tuổi “biết mệnh trời”, nghĩa là lúc này con người ta đã tích luỹ đủ vốn sống, ý thức được cái gì có thể làm được và không.

Đối với người Việt, từ xa xưa đã có quan niệm trong đời người sẽ có ba việc lớn là làm nhà, dựng vợ, gả chồng. Nhất là ở nông thôn, ngày xưa trẻ con thường lấy chồng tương đối sớm, sau khi cưới các cặp vợ chồng trẻ sẽ tiến hành xây nhà nhờ sự trợ giúp của 2 bên nội ngoại. Nhưng người xưa cũng quan niệm, khi đến tuổi 50 con người khó mà giữ được sức lực và thể lực, chỉ có thể để thế hệ sau xây nhà mới, từ đó cha ông kết luận là không nên xây nhà ở tuổi 50.

Bên cạnh đó, còn có 1 lý do khác đó là do chiến tranh hoặc do điều kiện sống kém nên ngày xưa tuổi thọ của con người thường ngắn. Vì vậy, khi đã bước sang tuổi 50 được xem là đã "một chân vào quan tài". Do đó, nếu lúc này sửa nhà thì khả năng cao là chủ nhân sẽ mất trước khi hưởng được thành quả.

Hơn nữa, ngôi nhà khi đó để lại cho con cái cũng rất có khả năng trở thành ngòi nổ cho cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành tài sản cha mẹ để lại. Chính vì thế người xưa không muốn xây nhà sau 50 tuổi.

Nghĩa là hàm ý của câu 50 tuổi không xây nhà có thể hiểu chính là đại diện cho ước vọng của mọi người về những năm tháng sau này được hưởng cuộc sống nhàn hạ, có con cháu đỡ đần và không có tranh chấp.

60 không trồng cây

Câu này có ý nghĩa tương đồng với ý “50 không xây nhà” nghĩa là khi đã ở độ tuổi lục tuần, có nhiều việc làm quá sức sẽ không tốt nhưng vì người cao tuổi xương cốt đã không còn chắc khỏe. Chính vì vậy không nên làm việc nặng trong đó có việc trồng cây.

Bởi nếu chẳng may trồng cây hay làm việc nặng mà người có tuổi bị ngã hoặc chấn thương vừa khiến bản thân người gặp phải đau đớn, mà con cháu cũng không được thoải mái chẳng khác nào tự chuốc họa vào thân.

Do vậy, người xưa khuyên rằng khi đã qua tuổi 60, mọi người nên lựa chọn những hoạt động phù hợp với sức khỏe, không nên quá tham công tiếc việc để tránh gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra trồng cây cần thời gian rất lâu để thu về trái ngọt. Ở độ tuổi 60, nếu đi trồng cây có thể chủ nhân chẳng chờ nổi đến ngày chứng kiến thành quả của mình nên mới có câu nói này.

70 không may quần áo

Cổ nhân cho rằng, chúng ta nên "làm những gì mình muốn mà không vi phạm các quy tắc" khi đã ở tuổi 70. Vì ngày xưa tuổi thọ con người không cao, do đó những người ở độ tuổi 70 không có nhiều, những ai may mắn sống qua tuổi này đã được xem là thượng thọ. Do đó tốt hơn hết khi đã ở tuổi này, nên tận hưởng cuộc sống thanh nhàn thay vì dành thời gian may vá.

Hơn nữa, khi bước vào tuổi này đa phần mắt của mọi người đã mờ, do đó việc dùng kim chỉ cũng sẽ khó khăn hơn. Việc ngồi may vá cũng tốn khá nhiều thời gian do đó đối với một người trên 70 tuổi quả thực không hề dễ dàng. Chính vì vậy, cổ nhân khuyên những người đã ở độ tuổi 70 không may quần áo thay vào đó nên được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già.

Ngoài ra còn có 1 lý giải khác đó là câu này ngụ ý ông bà, cha mẹ không muốn may quần áo mới, mà để dành tiền cho con cháu vì không muốn con cháu vất vả.

Ngày nay, câu nói “50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may áo” đã không còn đúng nữa với cuộc sống hiện đại khi con người có sự tự chủ trong cuộc sống dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bên cạnh đó, sự phát triển của y khoa giúp con người sống thọ hơn, khỏe mạnh hơn, nhiều người 50 mới lập nghiệp mà vẫn thành công và 70-80 vẫn có thể lao động sung sức.

Tuy nhiên, về ngụ ý sâu xa của câu thành ngữ trên, con người hiện đại vẫn có thể áp dụng. Đó chính là lối sống cân bằng, tự ý thức được khả năng của bản thân và làm việc dựa vào thể lực của mình, biết nghĩ trước nghĩ sau và tránh những việc tốn công vô ích.

Tác giả: Thạch Thảo