Trầm cảm và thêm chuyện buồn, người phụ nữ 34 tuổi nhảy sông Cổ Chiên tự vẫn

( PHUNUTODAY ) - Theo thông tin từ gia đình người phụ nữ nhảy sông Cổ Chiên, nạn nhân 34 tuổi do trầm cảm và có chuyện buồn phiền nên đã nhảy sông tự vẫn.

Ngày 20-2, Công an huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết đã bàn giao thi thể người phụ nữ 34 tuổi, ngụ tại xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho gia đình an táng.

Kết quả điều tra, trưa 19-2, một người dân ở xã Hòa Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đi thăm lưới thì phát hiện thi thể người phụ nữ trôi dạt vào bờ sông Long Bình.

Lực lượng chức năng tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường.

Công an huyện Châu Thành nhanh chóng có mặt ở hiện trường và trưng cầu phòng Cảnh sát hình sự, phòng Kỹ thuật hình sự hỗ trợ điều tra, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Lực lượng chức năng xác định nạn nhân chết cách đó khoảng 12 giờ đồng hồ do ngạt nước. Trên người nạn nhân vẫn còn đôi bông tai. Qua triển khai các biện pháp công tác, đêm cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định được danh tính nạn nhân ngụ tại xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre).

Theo thông tin từ gia đình, nạn nhân bị bệnh trầm cảm và có chuyện buồn phiền nên đã nhảy xuống sông Cổ Chiên tự tử vào sáng cùng ngày.

Trước đó, anh Trần Thanh Tiền (ngụ xã Nhị Long, H.Càng Long, Trà Vinh), cho biết khoảng 8 giờ hôm nay (19.2, tức mùng 4 Tết Mậu Tuất) khi đang lưu thông qua giữa cầu Cổ Chiên thì thấy một phụ nữ mặc đồ quần áo có nhiều bông hoa, mang đôi dép màu đỏ đang đứng giữa cầu với vẻ mặt thất thần, buồn bã.

Khi xe anh vừa qua khỏi vị trí người phụ nữ đứng thì nghe tiếng kêu có người nhảy cầu từ xe chạy phía sau. Anh quay lại thì người phụ nữ đã mất hút dưới con nước đang lớn, trên cầu chỉ còn lại đôi dép.

Những dấu hiệu giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm

Theo tài liệu phân loại bệnh tật quốc tế (ICD 10) và Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (NXB Y học), một số dấu hiệu điển hình và dễ thấy nhất của bệnh trầm cảm bao gồm:

– Thích ở một mình, ngại giao tiếp: thường chỉ thích ở trong phòng một mình, không thích đến nơi đông người, thậm chí không muốn nói chuyện với ai.

– Nghiện mạng xã hội, không thích nói chuyện trực tiếp: các trường hợp này khi ở trên mạng xã hội sẽ nói nhiều nhưng ra cuộc sống bên ngoài thì hoàn toàn thu mình lại.

– Thường xuyên có cảm giác buồn chán, ủ dột: cảm giác này diễn ra liên tục và kéo dài khoảng vài tuần trở lên.

– Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi: ngay cả khi không làm việc nặng, chỉ ngồi một chỗ, người bệnh vẫn rơi vào trạng thái uể oải, thiếu sức sống.

– Mất tập trung, không muốn làm việc: không chỉ là do sức khoẻ, người bệnh còn mất hết hứng thú làm việc, không muốn động vào bất kì việc gì.

– Bi quan, tự cảm thấy bản thân vô dụng hay mắc tội lỗi nào đó: cảm giác mất hết niềm tin vào mọi chuyện trong cuộc sống.

– Dễ nổi nóng, cáu gắt: những người mắc trầm cảm thường rất dễ nổi giận vô cớ với người khác hay những sự việc rất nhỏ.

– Hay có cảm giác lo âu, bất an: sự lo âu này thường xuất phát từ những điều rất vô lý, thậm chí là không có thật, chỉ do người bệnh tự tưởng tượng ra.

– Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều: sự thay đổi đột ngột trong lối sống và sinh hoạt này cũng là dấu hiệu của trầm cảm và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các hệ quả tiếp theo về sức khoẻ cũng như tâm lý.

– Không còn hứng thú với các sở thích của mình nữa: không còn bất kì sự quan tâm nào với những sở thích của mình trước đây.

– Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ: dẫn đến tình trạng giảm cân đột ngột hoặc cân nặng tăng ngoài tầm kiểm soát.

– Nghĩ đến cái chết: dấu hiệu này không hề hiếm, gần như xảy ra ở một nửa số người mắc bệnh trầm cảm.

Tác giả:

Tin nên đọc