Vị hòa thượng tâm thành hướng Phật, vì sao vẫn phải chịu nhục hình?

( PHUNUTODAY ) - Điều quan trọng không phải là thuộc kinh mà là giữ giới luật.

Trong bộ tùy bút “Xuân chử kỷ văn” của Hà Vĩ đời Tống có ghi chép một câu chuyện. Chùa Bảo Tàng Hàng Châu có vị tăng nhân trụ trì là Chí Thuyên, mỗi lần được tiền tài bố thí của tín chúng ông đều không tơ hào chiếm dụng hay sử dụng bừa bãi, tâm địa cũng rất thiện lương. Một hôm, một vị tăng nhân trong chùa nói với Chí Thuyên rằng: “Trong chùa có khá nhiều tiền bố thí của các tín đồ, ông cho tôi mượn một vạn đồng, sau này hoàn trả, nhất định sẽ trả thêm 3000 đồng tiền lợi tức cho ông”.

Ban đầu Chí Thuyên không đồng ý, nhưng cuối cùng vẫn cho ông ta mượn. Mấy tháng sau, tăng nhân mượn tiền đó quả nhiên hoàn trả ông 13.000 đồng. Chí Thuyên bèn lấy 3000 đồng tiền lợi tức làm chi phí mua hương, nến.

Trong chùa có một con mèo rất thuần tính hiền lành, hàng ngày đi theo Chí Thuyên, sau này con mèo này chết. Một hôm Chí Thuyên đang ngủ trưa, trong mộng thấy mình đến một tòa quan phủ, có một vị quan sang trọng bước ra nghênh đón ông, cung kính hành lễ với ông, cứ như là đã quen biết với ông từ trước. Chí Thuyên đáp lễ rồi hỏi: “Xin hỏi ngài đảm nhiệm chức vụ gì ở đây? Lão tăng vì duyên cớ gì lại đến đây khiến ngài đón tiếp ân cần như thế này?”

Viên quan đó nói: “Đời trước tôi phạm lỗi, chịu quả báo làm thân súc vật, do đó đã làm mèo. Hôm nay nợ nghiệp đã hoàn trả hết, do bản tính cương trực nên được làm quan âm phủ. Khi làm mèo, tôi đã nhận được ân huệ bảo vệ và dưỡng dục của ngài trong 6 năm, thường nghĩ đến báo đáp ngài. Hôm nay mời ngài đến là có chuyện muốn nói với ngài. Cách đây không lâu, ngài cho một tăng nhân trong chùa mượn tiền, còn nhận 3000 đồng tiền lợi tức của người ta. Tuy số tiền này ngài dùng để cúng Phật, nhưng tư tâm lạm dụng như thế này cũng là hành vi bất chính, phải chịu một kiếp khổ trong địa ngục”.

Chí Thuyên nghe thế trong lòng rất sợ hãi, khổ sở cầu xin ông ta, viên quan đó nói: “Tôi cũng đã từng hỏi cho ngài rồi, các biện pháp chuộc lỗi khác thì chỉ có ở thế gian chịu cái khổ bị đánh 30 trượng là có thể thay được, trừ đó ra thì chẳng còn biện pháp nào khác”.

Mộng đến đây, Chí Thuyên liền tỉnh dậy. Ông nghĩ: “Mình may mắn làm trụ trì, đến nay đã làm rất lâu rồi, luôn được các tăng nhân và người thế tục kính trọng. Nếu chấp nhận bị đánh gậy thì còn mặt mũi nào nhìn người khác đây? Mình nên tu hành khổ hạnh, hy vọng có thể miễn trừ được tai họa này”. Thế là ông xả bỏ tất cả, làm đồ cúng dường cho các tăng nhân, đồng thời khắc khổ tu hành, một lòng sám hối.

Hơn một năm sau, quan huyện Tiền Đường đưa gia quyến đến chùa lễ bái. Đúng lúc các tăng nhân đều đi tham gia cúng chay, trong chùa không có người đón tiếp, vì thế mà quan huyện trong lòng bực tức. Đã thế, ông ta lại giẫm phải bãi phân mèo nên càng tức giận khôn nguôi.

Một viên tùy tùng lôi Chí Thuyên từ trong phòng sám hối ra và nói: “Ông ta là trụ trì chùa này. Vì ông ta lười biếng, không quét dọn phân mèo, do đó đã ẩn nấp trốn tránh”.

Cộng thêm câu trả lời của Chí Thuyên không khiến quan huyện hài lòng, quan huyện nổi giận gọi người đánh trụ trì 30 gậy rồi mới hậm hực ra về.

Chí Thuyên nhớ đến cảnh tượng trong giấc mộng, biết được nhân quả tiền duyên của sự tình, trong lòng cam tâm tình nguyện chịu phạt. Từ đó về sau, ông thường khuyên răn các tăng nhân nhất thiết không được lấy tiền vật bố thí của tín chúng làm của riêng.

Trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, Tôn giả A Nan có hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập niết bàn thì chúng con biết theo thầy nào?”

Phật Thích Ca có dặn lại một câu rằng: “Dĩ giới vi sư”, nghĩa là hãy lấy giới luật làm thầy.

Bao nhiêu lời giảng Pháp và lời dạy của Phật còn lưu truyền, lên tới hàng trăm hàng ngàn cuốn Kinh Phật như thế, sao Phật Thích Ca không bảo các đệ tử học theo bộ kinh nào đó mà lại nói “Lấy giới luật làm Thầy”? Bởi vì giới luật là điều duy nhất đích thân Phật Thích Ca để lại. Còn kinh sách đều là do các đệ tử qua nhiều đời, nhiều thế hệ nhớ lại những gì được truyền dạy mà chép ra, không phải là điều đích thân Phật Thích Ca để lại.

Như vậy có thể thấy, “Giới luật” là điều quan trọng nhất mà Phật Thích Ca lưu lại, là điều bắt buộc các đệ tử phải nghiêm túc tuân thủ giữ gìn thì mới đạt tiêu chuẩn của người tu luyện chân chính.

Thế nên, chỉ đọc kinh thuộc kinh mà không giữ giới thì bất kể người đó tu hành bao lâu, giữ chức vụ, địa vị gì trong Phật giáo, là hòa thượng hay cư sỹ, thì cũng đã không phải là đệ tử chân chính của Phật Thích Ca rồi.

Quả thật, trong vũ trụ bao la vô tận này, sinh mệnh con người quả thật quá nhỏ bé. Nhưng nhờ có tín tâm đối với Thần Phật, và cũng nhờ sự bảo hộ, gia trì của Thần Phật đối với con người, mà sinh mệnh mới có được những thăng hoa và kỳ tích trong tu luyện.

Trong lịch sử, mỗi sinh mệnh đã đóng hàng trăm hàng nghìn vai diễn, suy cho cùng cũng là để cuối cùng được trở về cố hương chân thật của chính mình.

Tác giả: Minh Ngọc