Ruột khỏe – Chuyển hóa trơn tru
Bác sĩ chuyên ngành gen Trương Gia Minh cho biết trên Sohu, ruột giống như một "nhà máy chuyển hóa vô hình", nơi trú ngụ của hàng nghìn tỷ vi sinh vật giúp tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến cân nặng, đường huyết, mỡ tích tụ, thậm chí là sức khỏe gan. Khi có nhiều vi khuẩn có lợi trong ruột, cơ thể sẽ chuyển hóa hiệu quả hơn, sử dụng năng lượng tốt hơn và khó tăng cân. Ngược lại, nếu vi khuẩn có hại chiếm ưu thế, thành ruột sẽ yếu đi, cho phép các chất độc (như nội độc tố) xâm nhập vào máu, gây viêm mạn tính, tăng tích mỡ và nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Ăn đúng thực phẩm để thay đổi hệ vi sinh, giúp cơ thể đốt mỡ hiệu quả hơn
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn đúng thực phẩm không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn có thể điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến chuyển hóa, giúp giảm tích mỡ. Đặc biệt, các sắc tố tự nhiên có trong thực phẩm như carotenoid (tạo màu đỏ, vàng, xanh lá) có khả năng điều chỉnh hệ vi sinh vật, tăng khả năng đốt mỡ, giảm viêm và ổn định chuyển hóa.
1. Thực phẩm màu đỏ: phục hồi đường ruột, giảm viêm, hỗ trợ chuyển hóa mỡ
Các loại như cà chua, dưa hấu, ớt chuông đỏ, bưởi hồng đều chứa lycopene, giúp chống oxy hóa và duy trì sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lycopene còn giúp tăng lượng vi khuẩn Akkermansia – "người gác cổng" cho thành ruột, ngăn vi khuẩn xấu và độc tố xâm nhập vào máu, từ đó giảm viêm mạn tính. Người có nhiều Akkermansia thường có tỷ lệ mỡ thấp và chuyển hóa tốt.
2. Thực phẩm màu vàng: đốt mỡ, tăng chuyển hóa, giảm tích tụ
Các thực phẩm như bí đỏ, bắp, đu đủ, rong biển chứa zeaxanthin và fucoxanthin – giúp tiêu hao năng lượng, giảm tích mỡ. Fucoxanthin, chiết xuất từ tảo nâu, được xem là "ngôi sao" trong giới giảm cân nhờ khả năng kích hoạt mỡ nâu (BAT), giúp cơ thể đốt cháy calo thay vì tích mỡ. Ngoài ra, fucoxanthin còn cải thiện hệ vi sinh, tăng Bacteroidetes (liên quan đến giảm cân) và giảm Firmicutes (liên quan đến béo phì).
3. Thực phẩm màu xanh: chống viêm, phục hồi ruột, hỗ trợ tiêu hóa
Rau bina, bông cải xanh, bơ chứa lutein – không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp giảm viêm ruột, phục hồi thành ruột, ngăn vi khuẩn xấu xâm nhập và hỗ trợ vi khuẩn tốt phát triển. Lutein hoạt động như "lá chắn" trong ruột, ngăn hội chứng rò rỉ ruột, giúp hệ chuyển hóa vận hành trơn tru. Ai thường đầy hơi, táo bón, tiêu chảy... nên tăng cường ăn rau xanh.
4. Capsanthin & Astaxanthin: tăng tốc chuyển hóa, giảm tích mỡ
Capsanthin trong ớt đỏ không chỉ tạo vị cay mà còn tăng chuyển hóa cơ bản, giúp đốt mỡ nhanh hơn. Người ăn cay thường có tốc độ chuyển hóa tốt hơn.
Astaxanthin, có trong tôm, cua, cá hồi và tảo đỏ, là chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm tích mỡ ở gan, giảm viêm và điều chỉnh hệ vi sinh ruột. Nghiên cứu cho thấy bổ sung astaxanthin giúp hạ men gan, giảm viêm, rất có lợi cho người bị gan nhiễm mỡ.
Tô màu đĩa ăn: Ăn đúng quan trọng hơn ăn ít
Việc giảm cân, giảm mỡ máu hay ngăn ngừa gan nhiễm mỡ không chỉ đơn giản là ăn ít và tập nhiều, mà là ăn đúng để hệ vi sinh ruột phục hồi, từ đó ổn định chuyển hóa. Khi ruột khỏe, chỉ số viêm giảm, mỡ sẽ không tích tụ dễ dàng.
Bác sĩ Trương Gia Minh nhấn mạnh: "Quan trọng không phải là ăn ít, mà là ăn đúng!". Nếu chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến, đường và tinh bột tinh luyện, hệ vi sinh sẽ bị rối loạn, dẫn đến tích mỡ nhanh. Nhưng nếu bạn chủ động ăn thực phẩm tự nhiên đỏ – vàng – xanh mỗi ngày, bạn sẽ thay đổi hệ vi sinh và kích hoạt cơ chế đốt mỡ tự nhiên, đồng thời bảo vệ gan và sức khỏe tổng thể.
Tác giả: Minh Khuê
-
Ăn 2 hay 3 bữa mỗi ngày mới thật sự tốt cho sức khỏe? Câu trả lời khiến 9/10 người bất ngờ
-
Đau bụng, giảm cân đột ngột: Cảnh báo ung thư tụy di căn bạn không thể bỏ qua
-
5 thói quen buổi sáng dễ thực hiện giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả
-
Loài hoa nở quanh năm, đẹp như trong phim Hàn: Cách giâm cành thành công chỉ trong 10 ngày
-
Không ngờ loại nước rẻ bèo này lại làm sạch gan, thận và giảm mỡ bụng: 7 lý do nên uống mỗi ngày