Vì sao nhiều nhà dùng cây mía để cúng gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán?

( PHUNUTODAY ) - Vào ngày Tết Nguyên đán, nhiều gia đình sẽ mua hai cây mía để dựng ở hai bên bàn thờ. Ý nghĩa của việc này là gì?

Tục thờ mía trong ngày Tết đã có từ lâu đời tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của việc này.

Ý nghĩa của việc dùng cây mía để cúng gia tiên trong ngày Tết Nguyên đán

Vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài mâm ngũ quả, một số gia đình sẽ chuẩn bị thêm hai cây mía to và thẳng để dựng hai bên bàn thờ.

Cây mía được chọn phải là mía to, thân thẳng, có nguyên tán lá, gốc rễ và các đốt phải đều, không có sâu phá hoại.

Có nhiều lý giải khác nhau về ý nghĩa của cây mía trong việc thờ cúng vào ngày Tết.

Cây mía được cho là biểu tượng của sự kết nối, là biểu tượng cho sự giao thoa của trời và đất, giữa âm và dương. Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Trong khi đó, gốc rễ của cây mía tượng trưng cho đất, cho cội nguồn của gia đình. Các đốt mía như những bậc thang nối trời và đất, nối âm và dương, giúp vong linh ông bà, tổ tiên về trần gian ăn tết cùng con cháu. Cây mía còn được coi là vật bất li thần để tổ tiên trở về thế trời sau 3 ngày Tết.

Ngoài ra, việc dâng cúng cây mía cũng là một cách để cha ông ta gửi gắm các mong ước. Cây mía có vị ngọt, tượng trưng cho cuộc sống tươi đẹp, nhiều may mắn. Cây mía rắn chắc, thân vươn cao tượng trưng cho sự thành công, sức khỏe dồi dào...

Ngoài ra còn nhiều  lý giải khác liên quan đến việc bày cây mía trong ngày Tết Nguyên đán. Cây mía cũng được cho là có liên quan đến các điển tích về nguồn gốc của Phật. Truyền thuyết về cây mía được ghi trong "Phật bản hạnh tập" quyển 5 kinh Phật tạng. Vì vậy, vào dịp đầu năm, khi đi vãng cảnh chùa, phải leo lên các dốc cao, người ta thường bán cây mía làm gậy vừa giúp quá trình leo lên chùa đỡ vất vả vừa mang ý nghĩa hướng về cội nguồn. Cây mía được coi là biểu tượng cho cội nguồn dòng họ của Phật. Việc thờ mía cũng được coi là thờ cội nguồn của Phật.

Không phải vùng nào, gia đình nào cũng có phong tục thờ mía trong những ngày Tết Nguyên đán. Ngày nay, tục thờ mía không quá phổ biến nhưng vẫn được khá nhiều gia đình duy trì. Sau giao thừa, một số người sẽ chọn mua một vài cây mía để bày trong nhà để cầu may mắn. Tuy theo quan niệm của từng vùng, từng gia đình mà gia chủ có thể dâng cúng mía trong ngày Tết hoặc không.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền