Vị vua nào tự ví mình có trí khôn không bằng 1 con cáo vì không chống được ngoại xâm?

( PHUNUTODAY ) - Vì quá đau buồn khi không chống được thực dân Pháp, vị vua này đã tự ví mình có trí khôn không bằng một con cáo.

Quá trình lên ngôi của vua Tự Đức

Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh ngày 22.9.1829, được biết là con trai thứ hai của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng) và bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ sau này). Tuy nhiên vấn đề vị vua này thực sự là con ai lâu nay vẫn có nhiều luồng dư luận khác nhau.

Tháng giêng năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông được chọn kế vị ngai vàng. Ngày 11.2.1841 thì đăng quang, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Phạm Thị Hằng được phong làm cung tần. Năm 1843, vua Thiệu Trị phong cho Nguyễn Phúc Hồng Bảo - con trai trưởng của vua với bà Quý nhân Đinh Thị Hạnh, tước An Phong công và cho ở tiềm đế, chuẩn bị kế vị ngai vàng. Năm 1844, Thiệu Trị phong cho Hồng Nhậm tước Phúc Tuy công.

Tháng 9.1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, cho gọi Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào bảo: “Ta lo nghiệp lớn của tổ tông phó thác cho ta nên phải lựa chọn người để yên xã tắc. Trong mấy người con, Hồng Bảo tuy là con lớn, nhưng thứ xuất, mà lại kém cỏi ít học, ham chơi, nối nghiệp lớn không được. Con thứ hai là Phúc Tuy công thông minh ham học, giống in như ta đáng nối ngôi vua. Hôm trước ta đã phê vào chiếu để trong long đồng, các ngươi phải kính noi theo, đừng trái mệnh”. (Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr.343).

Tháng 11.1847 vua Thiệu Trị băng hà. Đình thần triều Nguyễn, đứng đầu là Trương Đăng Quế, đã đưa Hồng Nhậm lên ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Việc “phế trưởng, lập thứ” này từng gây xôn xao.

Đau buồn khi không chống được thực dân Pháp, Tự Đức ví mình có trí khôn không bằng con gì?

Khi thực dân Pháp mon men tiến vào bờ biển Việt Nam, Tự Đức rất lo lắng khi dân sống bình yên, không biết đánh trận, thù trong giặc ngoài quấy nhiễu. Vua cho rằng đó là sự trừng phạt nặng nề từ trời cao để cảnh cáo cả vua tôi, vì "ngu mà mong yên ổn, mờ tối không lo phòng bị từ khi việc chưa phát, tôi hay tướng giỏi cũng đã rơi rụng quá nửa, không ai nhắc nhở lời dạy của vua cha về việc đề phòng mặt biển đến giúp ta tránh khỏi chỗ lỗi lầm". Ông thốt lên: "Ai là người cũng gìn giữ bờ cõi ta, vỗ yên nhân dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh dẹp, nhưng càng đánh dẹp càng loạn, mỏi mệt". Trăn trở tính chuyện giữ nước, những nhà nho lão thành, quan đại thần được sai đi bàn định điều ước. "Nhưng không hiểu vì lý do gì lại dễ dàng lập thành hòa nghị. Bỗng chốc đem cả nhân dân cùng đất đai của các triều nhọc nhằn gây dựng cho giặc hết...", Tự Đức đã phải "nuốt nước mắt, đành chịu tội với tôn miếu và nhân dân". Việc càng chồng chất, Tự Đức tự cho mình dùng người không sáng suốt, không xứng đáng, tình hình trong nước lại rối ren, tin chiến trường tới tấp, việc quan bộn bề, vua thêm gầy ốm, mang bệnh, không chăm lo chính sự được. Trăn trở vận nước, Tự Đức thốt lên: "Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo".

Dưới thời vua Tự Đức, quan văn hay quan võ được trọng nhiều hơn?

Cuốn Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn ghi lại, dưới thời vua Tự Đức, quan văn được trọng hơn quan võ rất nhiều. Vua Tự Đức đam mê văn chương từ nhỏ. Bản thân ông cũng là một nhà thơ. Khi lên ngôi, ngoài các khoa thi đã được lập từ thời Gia Long như thi Đình, thi Hương, ông còn đặt thêm khoa Nhã sĩ và khoa Cát sĩ để chọn người giỏi văn làm quan. Chính vì vậy thời Tự Đức văn học rất phát triển, xuất hiện nhiều nhà thơ có tài như Cao Bá Quát, Nguyệt Đình, Huệ Phố… Trong hoàng tộc, vua đặc biệt kính trọng những thân thuộc có tài văn học. Vua Tự Đức cũng quan tâm việc võ bị. Năm 1865, vua cho mở khoa thi Tiến sĩ võ. Nhưng nhìn chung dưới triều Tự Đức, quan võ không được trọng bằng quan văn, vì vậy dân gian có câu: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn/ Quan võ thì ghét quan văn dài quần”. Câu ca cho thấy sự thua thiệt của quan võ so với quan văn, điều khá nghịch lý vì trong thời loạn bị Pháp đô hộ, việc võ bị lẽ ra phải đặt lên hàng đầu. So với thời Gia Long, việc tổ chức quốc phòng thời Tự Đức hầu như ngược lại. Quân đội không được ưu tiên trang cấp nữa, ngân khoản eo hẹp. Các võ tướng không còn nắm những địa vị trọng yếu trong triều đình. Đa số tướng võ có huân công (như Nguyễn Tri Phương) xuất thân từ văn thần mà ra.

Tác giả: Thạch Thảo