Vị vua có tới 103 bà vợ nhưng không có con nối dõi duy nhất trong sử Việt là ai?

( PHUNUTODAY ) - Đây là vị vua nổi tiếng vì có tới 103 bà vợ nhưng không một bà nào sinh được con nối dõi.

Đây là một ông vua hay chữ

Tự Đức (1829-1883) là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, là con trai vua Thiệu Trị. Trị vì đất nước trong 36 năm (1847-1883), ông là vị vua ngồi trên ngai vàng lâu nhất trong số 13 đời vua của triều Nguyễn.

Tự Đức là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn. Theo một số tài liệu, sinh thời, vua sáng tác tới hơn 4.000 bài thơ. Giỏi văn chương, làm việc siêng năng nhưng trái với giai đoạn trước, triều Nguyễn dưới thời Tự Đức ngày càng suy yếu. Chính trong thời kỳ trị vì của mình, Tự Đức đã để đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp.

vua3

Ông vua có nhiều vợ nhất Việt Nam

Tự Đức là vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn, với 36 năm, từ 1847 đến 1883. Dù có 103 bà vợ, ông không có người con ruột nào vì lúc nhỏ mắc bệnh đậu mùa, lại đau ốm liên miên nên sức khỏe không tốt.

Ông nhận ba người cháu ruột làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Đường và Ưng Đăng. Ưng Chân là con trai của Thoại Thái Vương Hồng Y, được giao cho Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên Hải, vợ chính của vua Tự Đức nuôi dạy. Sau này, khi Tự Đức qua đời, Ưng Chân được lên làm vua, được gọi là vua Dục Đức.

Ưng Đường (có sách ghi là Ưng Kỷ hay Ưng Biện) là con của Kiên Thái Vương Hồng Cai, được giao cho bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm nuôi.

Ưng Đăng cũng là con của Kiên Thái Vương, được giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương trông nom, dạy bảo.

Dâng roi mây cho mẹ đánh đòn

Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn kể rằng một hôm rảnh việc nước, vua Tự Đức đi săn tại rừng Thuận Trực (Kim Long), gặp nước lụt không về được, trong khi chỉ còn hai ngày nữa có kỵ vua Thiệu Trị. Thấy vua chưa về, Đức Từ Dũ nóng ruột, phải sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước.

Biết làm thái hậu lo lắng nên sau khi về đến cung lúc nửa đêm, nhà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng.

Vua Tự Đức bèn lấy cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ”.

Sau khi rời cung, ngay trong đêm ấy, vua đã thức rất khuya tại điện Càn Thành để thực hiện những điều mẹ dạy.

Với tình cảm đặc biệt dành cho mẹ mình, Tự Đức được xem là ông vua hiếu thảo bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Do không có con nối dõi, nên sau khi vua Tự Đức băng hà, nhà Nguyễn trải qua thời kỳ đen tối 4 tháng thay 3 vua. Liền sau đó là sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, thất bại hoàn toàn về phía triều đình Huế, khiến hàng nghìn người chết.

vua1

Dưới thời vua Tự Đức, quan văn hay quan võ được trọng nhiều hơn?

Cuốn Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn ghi lại, dưới thời vua Tự Đức, quan văn được trọng hơn quan võ rất nhiều. Vua Tự Đức đam mê văn chương từ nhỏ. Bản thân ông cũng là một nhà thơ. Khi lên ngôi, ngoài các khoa thi đã được lập từ thời Gia Long như thi Đình, thi Hương, ông còn đặt thêm khoa Nhã sĩ và khoa Cát sĩ để chọn người giỏi văn làm quan. Chính vì vậy thời Tự Đức văn học rất phát triển, xuất hiện nhiều nhà thơ có tài như Cao Bá Quát, Nguyệt Đình, Huệ Phố… Trong hoàng tộc, vua đặc biệt kính trọng những thân thuộc có tài văn học. Vua Tự Đức cũng quan tâm việc võ bị. Năm 1865, vua cho mở khoa thi Tiến sĩ võ. Nhưng nhìn chung dưới triều Tự Đức, quan võ không được trọng bằng quan văn, vì vậy dân gian có câu: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn/ Quan võ thì ghét quan văn dài quần”. Câu ca cho thấy sự thua thiệt của quan võ so với quan văn, điều khá nghịch lý vì trong thời loạn bị Pháp đô hộ, việc võ bị lẽ ra phải đặt lên hàng đầu. So với thời Gia Long, việc tổ chức quốc phòng thời Tự Đức hầu như ngược lại. Quân đội không được ưu tiên trang cấp nữa, ngân khoản eo hẹp. Các võ tướng không còn nắm những địa vị trọng yếu trong triều đình. Đa số tướng võ có huân công (như Nguyễn Tri Phương) xuất thân từ văn thần mà ra.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn