"Xem bói" và khả năng thay đổi vận mệnh theo quan niệm Phật Giáo

( PHUNUTODAY ) - Nói đến bói toán, nhiều người cho rằng, đó chỉ là hoạt động mang đầy tính ma mị và bí ẩn . Vậy trong Phật Giáo xem bói được giải thích như thế nào?

Trong thời đại ngày nay, vì lo lắng cho tương lai nhiều bất trắc, rất nhiều người muốn biết hậu vận nên việc xem tử vi bói toán ngày càng phổ biến. Giới làm ăn buôn bán cũng dựa vào chiêm tinh để quyết định công việc đầu tư và làm ăn. Những người khác từ việc mua nhà, đi xa, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma...đều tìm đến những người coi bói toán để tham vấn, hầu dựa vào những lời khuyên đó mà làm theo. Tử vi, bói toán, đồng cốt đang lan rộng ra nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi.

Vậy quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề bói toán tử vi như thế nào?

Xin trả lời là đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát. Việc coi bói toán tử vi, lên đồng nhập cốt không có mặt trong giáo lý nhà Phật. Cái mà mọi người thường gọi là số mạng tức là nghiệp lực trong Phật giáo. Nếu chúng ta tin có nghiệp lực thì tự nhiên là phải có số mạng, nhưng đức Phật dạy mọi sự đều do tâm tạo. Chỉ cần tâm an ổn thì chỗ nào cũng yên.

 

Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giàu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu tập về mặt nội tâm và luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.

Làm việc thiện tạo phúc

Thiện nghiệp nhiều thì phúc báo lớn, phúc báo lớn thì mọi việc sẽ thuận lợi, gặp nhiều may mắn và tai qua nạn khỏi. Nếu như hành ác nhiều thì phúc báo ít, phúc báo mà không đủ thì mọi việc cũng sẽ không thuận, gặp nhiều tai ương. Số mệnh tốt hay xấu không phải là do người khác “bói” ra, mà là do hành vi của mình tạo ra, là do tay mình nắm giữ, do bản thân hành thiện tạo phúc, tích lũy thiện nghiệp mà thành. Đây là dùng phúc chuyển nghiệp, khiến “nghiệp nặng” chuyển thành “nghiệp nhẹ”, “nghiệp nhẹ” hóa thành không, từ đó mà sống một cuộc đời suôn sẻ.

 Quan niệm của Phật Giáo về coi bói toán

Cải biến tâm trạng

Cá tính, thói quen, tâm thái của một người đều là có mối quan hệ mật thiết với “tâm niệm” của người đó. “Tâm niệm” nếu như không cải sửa thì cho dù người đó có cải sửa phong thủy, nghề nghiệp, tên họ đi nữa cũng sẽ không thay đổi vận mệnh được. Điều này cũng có nghĩa giống như cách nói: “Hoàn cảnh có thể không thay đổi được nhưng tâm trạng thì có thể thay đổi được”. Cũng đồng nghĩa với câu: “Nhân sinh không thể cải biến nhưng nhân sinh quan là có thể cải biến được”.

Vì vậy, một quan niệm có thể cải biến một cách nghĩ, cách nghĩ có thể cải biến thì tâm thái sẽ cải biến, tâm thái cải biến thì thái độ tất sẽ cải biến, thái độ cải biến thì thói quen sẽ cải biến, thói quen cải biến sẽ dẫn đến biểu hiện (cách ăn ở, ứng xử …) cũng cải biến. Một khi những biểu hiện của người đó được cải biến thì cuộc đời sẽ cải biến, chính là số mệnh được cải biến.

Cho nên nói, trong cuộc đời mỗi người, “tâm niệm” sẽ thời thời khắc khắc ảnh hưởng đến chúng ta. Tâm niệm tốt sẽ giống như một hạt giống tốt, nở ra một bông hoa xinh đẹp hương thơm ngào ngạt khiến chúng ta có cuộc đời hạnh phúc. Tâm niệm không tốt sẽ giống như một hạt giống xấu nở ra một trái cây “tai ương” khiến bạn có một cuộc sống buồn thảm và chua xót.

Kỳ thực, “quý nhân” có thể giúp chúng ta thay đổi số mệnh không phải đang ở một nơi xa, mà thực ra “thiện niệm”, những tâm niệm ngay chính, đúng đắn chính là “quý nhân” lớn nhất trong cuộc đời mỗi người.

 *Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang