Cuộc đời thăng trầm của “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” (1)

( PHUNUTODAY ) - Trịnh Đình Kính (hậu duệ đời thứ 9 của chúa Trịnh Căn) đã vượt qua tuổi thơ cơ cực, trở thành nhà tư sản dân tộc lớn của Việt Nam, được người Việt Nam gọi là “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”.

Nhà tư sản dân tộc Trịnh Đình Kính
Nhà Tư sản dân tộc Trịnh Đình Kính
Những ngày thơ ấu cơ cực của một hậu duệ chúa Trịnh
 
Nếu nhà tư sản Bạch Thái Bưởi được gọi là “ông vua tàu thủy” thì nhà tư sản Trịnh Đình Kính được gọi là “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến giờ, con trai của ông Trịnh Đình Kính là Trịnh Đình Tiến vẫn đang sống ở Hàng Bồ - nơi mà xưa kia người cha Trịnh Đình Kính đã bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
 
“Ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” Trịnh Đình Kính sinh năm 1886 tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) - là hậu duệ đời thứ 9 của chúa Trịnh Căn. Thân sinh ra ông là cụ Trịnh Đình Thành - một trong những nhân sĩ yêu nước đi theo phong trào Cần Vương chống Pháp. Năm 1892, khi những nghĩa quân của phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp đánh tan trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, cụ Trịnh Đình Thành đã ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông tự vẫn để giữ trọn lời thề trung quân ái quốc. Sau cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy năm ấy, cậu bé Trịnh Đình Kính mồ côi cha, bắt đầu sống những ngày gia đình ly tán.
 
Khi ông Trịnh Đình Thành mất, vợ ông còn rất trẻ, đã được gia đình họ Trịnh ở làng Đôn Thư cho phép đi bước nữa. Bà lên Hà Nội, lấy một người chồng làm nghề buôn bán. Nhưng họ Trịnh không cho phép bà mang theo đứa con trai nối dõi của ông Trịnh Đình Thành. Cậu bé Trịnh Đình Kính vừa mồ côi cha, vừa phải sống xa mẹ, đã trải qua những ngày thơ ấu đói khổ khi phải sống nhờ sự cưu mang của họ hàng ở làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai.
 
Vì nhớ mẹ, Trịnh Đình Kính đã quyết chí bỏ làng Đôn Thư ra Hà Nội tìm mẹ. Nhà nghèo đến nỗi không có nổi một manh áo để mặc, trước lúc đi, người chị họ phải cho ông mượn tấm áo duy nhất mà mình có. Lúc đó, cả người chị họ và những người họ hàng khác ở làng Đôn Thư đều không dám nghĩ rằng cậu bé Trịnh Đình Kính không có cả cái áo lành lặn để mặc ấy sẽ có một ngày trở thành một trong những nhà tư sản lớn của dân tộc, được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”.
 
Dắt theo cô em gái nhỏ lên Hà Nội tìm mẹ nhưng không có địa chỉ cụ thể, hai anh em Trịnh Đình Kính cứ lang thang từ con phố này sang con phố khác của Hà Nội để rồi cuối cùng, em gái ông bị một người lạ bắt bán sang Trung Quốc. Đến tận sau này, khi đã trở thành nhà tư sản giàu có, tâm nguyện tìm lại em gái của ông vẫn không thực hiện được.
 
Hơn 10 tuổi, một mình lang thang ở đất Hà Nội, không một xu dính túi, Trịnh Đình Kính đã phải làm đủ cách để kiếm sống. Công việc đầu tiên của “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” là làm nghề cửu vạn. Ngày đó, Hà Nội có một cái hồ gọi là hồ Sao Sa, gần khu vực phố Hàng Bồ. Phố Hàng Bồ khi ấy lại là nơi tập trung rất nhiều người Trung Quốc. Những người Trung Quốc sang Việt Nam đã mang theo nghề làm thủy tinh. Họ sống tập trung ở phố Hàng Bồ và mở xưởng sản xuất thủy tinh. Những lò thủy tinh này thường thải ra than xỉ, nên những ông chủ lò thủy tinh phải thuê người gánh than xỉ ra hồ Sao Sa đổ. Cậu bé Trịnh Đình Kính chính là một trong những người gánh thuê than xỉ để kiếm cái ăn qua ngày.
 
Từ một cậu bé mồ côi gánh than xỉ trở thành “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” - cuộc đời của nhà tư sản Trịnh Đình Kính đã trải qua một bước ngoặt lớn thời niên thiếu không thể không kể tới, đó là việc gặp gỡ một ông chủ lò thủy tinh người Hoa. Ông Trịnh Đình Tiến, con trai nhà tư sản Trịnh Đình Kính kể: “Khi còn sống, cha tôi vẫn kể với tôi rằng ông chủ lò thủy tinh người Hoa này vốn là một viên tướng bị triều đình nhà Thanh truy đuổi phải chạy sang Việt Nam và sống ở phố Hàng Bồ với nghề sản xuất và bán các mặt hàng thủy tinh”.
 
Khi gặp Trịnh Đình Kính, ông chủ xưởng thủy tinh người Hoa đã rất có cảm tình với cậu bé có gương mặt trong sáng, đôi mắt thông minh, nhanh nhẹn. Nhìn thấy ý chí và nghị lực phi thường của cậu bé Trịnh Đình Kính, ông chủ người Hoa ấy đã đem lòng yêu mến và nhận Trịnh Đình Kính vào xưởng giúp việc.
 
Khi về làm việc trong xưởng của ông chủ người Hoa, Trịnh Đình Kính là một người rất siêng năng, cần cù nên rất được lòng ông chủ người Hoa. Tuy nhiên, để thử lòng cậu bé giúp việc người Việt Nam, ông chủ người Hoa đã đặt ra không ít những thử thách. Ông ta đưa tiền cho Trịnh Đình Kính đi mua hàng để kiểm tra tính thật thà, chất phác của Trịnh Đình Kính. Ông xem xét từng cử chỉ, từng lời nói và thái độ của Trịnh Đình Kính khi làm việc để kiểm tra nhân cách, cũng như sự chịu khó học hỏi của Trịnh Đình Kính.
 
Khi đã “thử thách” Trịnh Đình Kính rất nhiều lần, ông mới thực sự yêu quý và nhận Trình Đình Kính làm con nuôi. Ngày ấy, nghề thủy tinh ở Việt Nam là do những người Hoa mang vào và những ông chủ lò sản xuất thủy tinh cũng đều là người Hoa. Họ thuê rất nhiều người Việt Nam làm việc cho họ nhưng không một người Việt nào biết làm nghề thủy tinh. Bởi người Hoa có nguyên tắc: với thiên hạ, họ chỉ dạy cách ăn chứ không dạy cách làm. Họ chỉ truyền lại những bí quyết nghề nghiệp cho đứa con mà họ tin yêu nhất. Nhưng Trịnh Đình Kính là một ngoại lệ.
 
Ông được ông chủ người Hoa nhận làm con nuôi và truyền dạy những bí quyết của nghề thủy tinh. Vì lẽ đó, nhà tư sản Trịnh Đình Kính là người Việt Nam đầu tiên biết làm nghề thủy tinh.
 
Hành trình trở thành “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”
 
Được người cha nuôi truyền dạy những bí quyết của nghề làm thủy tinh, ông Trịnh Đình Kính rất chịu khó học hỏi, tìm tòi và chẳng bao lâu đã trở thành một thợ cả lành nghề. Ngay từ khi ấy, Trịnh Đình Kính đã mang trong lòng mình một mơ ước: có một xưởng sản xuất thủy tinh của riêng mình. Phải đến khi 28 tuổi, ước mơ đó của ông mới trở thành hiện thực. Ông đã mở xưởng thủy tinh Thanh Đức ở phố Hàng Bồ và phát triển nó dần trở thành một thương hiệu thủy tinh lớn, có uy tín ở Việt Nam và các nước khác.
 
Trước khi xưởng thủy tinh Thanh Đức của Trịnh Đình Kính ra đời, những người Hoa làm nghề sản xuất thủy tinh ở phố Hàng Bồ chỉ sản xuất những đồ thủy tinh đơn giản như bóng đèn, chai lọ đơn giản. Những mặt hàng thủy tinh sang trọng mà những gia đình giàu có ở Việt Nam hay dùng thời đó đều được nhập khẩu từ Pháp. Là người ham học hỏi, nhiều tham vọng, ông Trịnh Đình Kính vẫn mơ ước sẽ có một ngày xưởng thủy tinh Thanh Đức của mình sản xuất được những mặt hàng cạnh tranh được với đồ thủy tinh châu Âu.
 
Ông không ngừng học hỏi, tìm tòi, để tìm ra những bí quyết sản xuất thủy tinh mới, cải thiện và nâng cao chất lượng của những sản phẩm thủy tinh của xưởng Thanh Đức. Không chỉ tìm cách tạo ra những sản phẩm thủy tinh đẹp, ông còn sáng tạo trong việc sáng chế ra những chiếc máy cắt thủy tinh, máy vẽ hoa văn thủy tinh, khiến cho đồ thủy tinh Thanh Đức ngày càng được yêu thích trên thị trường.
 
Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra cũng là thời kỳ hoàng kim của xưởng Thanh Đức do ông Trịnh Đình Kính làm chủ. Con đường vận chuyển những sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt. Trong khi đó, những sản phẩm được xưởng Thanh Đức sản xuất thì lại có mẫu mã đẹp, sang trọng không kém gì những đồ thủy tinh có xuất xứ từ Pháp.
 
Đến lúc này, những người giàu ở Việt Nam và những người Pháp ở Đông Dương mới bắt đầu chú ý đến đồ thủy tinh của Trịnh Đình Kính và phát hiện ra chất lượng cũng như mẫu mã của những sản phẩm này không kém gì so với những đồ thủy tinh Pháp. Họ nhanh chóng quay sang dùng đồ thủy tinh của xưởng Thanh Đức và ngày càng yêu thích nó. Lần đầu tiên, đồ thủy tinh Việt Nam có mặt ở trong những siêu thị lớn thời đó, đặc biệt là siêu thị Gô - Đa, một siêu thị lớn do người Pháp quản lý.
 
Những mặt hàng thủy tinh của Trịnh Đình Kính, từ mặt hàng thường đến các mặt hàng cao cấp kể từ đó bắt đầu tràn ngập xứ Đông Dương. Từ cậu bé mồ côi, cậu bé Trần Đình Kính năm nào đã vươn lên trở thành một nhà tư sản dân tộc giàu có, được nhiều người nể trọng, khiến ngay cả người cha nuôi - ông chủ người Hoa xưa đã từng cưu mang ông cũng phải bất ngờ.
 
Trịnh Đình Kính lại là người có công nâng tầm nghề thủy tinh của người Việt lên, khiến nó trở thành một thương hiệu được yêu thích ở Đông Dương. Không chỉ là người Việt đầu tiên biết làm thủy tinh, Trịnh Đình Kính còn là người đầu tiên làm ra được những sản phẩm thủy tinh màu, thủy tinh không vỡ trong nhiệt độ khác nhau và cả những sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn, trang trí nghệ thuật. Không ít người Trung Hoa làm nghề thủy tinh ở Hàng Bồ khi chứng kiến cảnh đó đã nói quyết định bỏ nghề vì bảo không còn cạnh tranh với xưởng Thanh Đức được nữa. Họ nói: “Nghề làm thủy tinh đã vào tay người Việt mất rồi”.
 
Người Trung Quốc là những người đầu tiên đưa nghề thủy tinh vào Việt Nam, nhưng Trịnh Đình Kính là người đã kết thúc sự nghiệp của những ông chủ sản này ở Việt Nam, mở ra thời kỳ của những ông chủ sản xuất thủy tinh người Việt mà Trịnh Đình Kính chính là người tiên phong và làm ra những kỳ tích. Ông bắt đầu được gọi là “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” kể từ thời điểm đó.
 
Cuộc đời thăng trầm của “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” Trịnh Đình Kính)
 
 
  • Bình Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn