Kỳ nhân miễn nhiễm với mọi nguồn lửa nóng đến mức nung chảy

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nathan Coker đứng chân trần trên một mảnh kim loại đã được nung nóng, hoặc có thể ngậm một dung dịch nóng chảy trong miệng chờ cho đến khi nó nguội...


Nuốt lửa, ngậm dung dịch nóng chảy

Từ trước tới nay, những màn trình diễn nuốt rắn, nhai bóng đèn, phun lửa ấy... chỉ bắt gặp ở các chương trình xiếc, tạp kỹ của các khu vui chơi giải trí. Đó chỉ là một trong những màn câu khách của các võ đường, từng được xem là một trong những màn trình diễn nguy hiểm nhất, và cũng được khuyến cáo rằng chỉ những người có võ thuật lâu năm mới có thể làm được. Vậy mà nay Nathan Coker - một anh thợ rèn bình thường lại làm được điều lạ kỳ ấy, thậm chí còn hơn cả như thế. Nathan Coker được mệnh danh là “Người lửa”.

Nathan Coker sinh ra trong một gia đình nghèo khó, luôn phải sống trong cảnh đói rét. Bố mẹ Coker mải đi làm ăn xa, dù còn nhỏ nhưng cậu thường xuyên phải tự lo cho bản thân. Rất nhiều lần nhỡ bữa, cậu lang thang trên đường phố mà chủ yếu sà vào các điểm ăn uống, nấu nướng. Và cũng từ những lần “liều” ấy mà  Coker phát hiện ra khả năng vô cùng kỳ lạ của mình.

Buổi tối hôm đó, ngay sau khi viên đầu bếp ra ngoài, Coker lẻn vào, bước thật nhanh tới nồi nước đang đun bánh sôi sùng sục. Mở nắp vung ra thấy những chiếc bánh được viên tròn, trắng nõn, dậy mùi thơm, Coker đang trong cơn đói nhìn thấy vậy cậu không một chút chần chừ: tay không vớt liền 2 chiếc bánh nóng ran, cho thoắt vào miệng, nhai ngấu nghiến. Cậu cứ thế liên tiếp vớt và ăn mấy chiếc bánh đang ở trạng thái sôi mà không hề hấn gì. Thấy kỳ lạ, Coker thử thêm vài lần tiếp xúc với những vật đang ở nhiệt độ rất cao, nhưng vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào xảy ra.

Đây cũng là lý do vì sao mà vài năm sau đó Coker chọn nghề thợ rèn. Từ ngày bắt tay vào công việc rèn, khả năng chịu nhiệt của Coker ngày càng tăng. Trong suốt mấy chục năm hành nghề rèn Coker chưa hề bị tai nạn nghề nghiệp do lửa, nhiệt độ của sắt gây ra. Ông có thể đứng trên một mảnh kim loại đã được nung nóng, hoặc có thể ngậm một dung dịch đun chảy, sắt nung trong miệng chờ cho đến khi nó nguội lạnh, hay có thể nhai than hồng đang cháy mà không sao cả. Làn da của ông cũng có khả năng đặc biệt, khi nó chưa bao giờ bị cháy khi tiếp xúc với lửa.

Khả năng này của Coker đã từng được đăng tải trên trang Herald New York. Bất cứ lúc nào, Coker cũng có thể lấy một chiếc dao sắt dài 50 cm, bản rộng 4 cm, dày 1cm bỏ vào lò than đang cháy hồng. Khoảng 30 phút sau, Coker ngửa mặt trầm ngâm, từ từ đưa thẳng vào miệng nuốt. Để chứng tỏ khả năng kỳ bí của mình và giúp phóng viên chụp hình đầy đủ hơn, Coker không ngần ngại diễn lại tới 8 lần động tác nuốt lửa.

Chưa dừng lại ở đó, Coker thò tay lấy từ trong lò rèn ra một chiếc rựa sắt đã nung đỏ lửa rồi bỏ vào miệng ngậm chặt giữa hay hàm răng. Chừng 2 phút sau, Coker tiếp tục thè lưỡi liếm trên bản rựa đỏ rực lửa rồi đưa xuống lòng bàn tay, bàn chân, lỗ rốn chà đi chà lại nhiều lần.

Theo các nhân chứng, Coker còn chân trần đứng trên một chiếc xẻng đã được nung đến đỏ rực. Tiếp theo đó Coker đổ một dung dịch nóng chảy vào tay và đổ vào miệng ngậm. Theo quan sát, Coker vừa ngậm và nhai dung dịch nóng chảy đó đến khi nó hoàn toàn nguội lạnh và đóng cục. Sau đó, các bác sĩ đã kiểm tra da thịt của Coker nhưng kết quả cũng cho thấy chúng không bị ảnh hưởng.

Tận mắt chứng kiến kỳ nhân Coker đùa với lửa, đã không ít người xung quanh phải sợ hãi đến mức không dám nhìn hoặc phải bỏ chạy ra ngoài. Thực hiện xong màn biểu diễn rợn người, mặt không biến sắc, Coker nhổ nước miếng lên lưỡi dao, những âm thanh xèo xèo réo lên và kèm theo đó là muội than bắn tung tóe khắp sàn nhà trước sự hiếu kỳ và vỗ tay thán phục của tất cả những ai từng chứng kiến.

Sức mạnh từ niềm tin?

Nhiều người cho rằng, khả năng kỳ lạ trên của Coker là do có sức mạnh của tâm linh, nhất là khi được biết Coker rất sùng các tín ngưỡng lễ hội của các dân tộc. Bởi khi nhảy múa trong lễ hội, các tín đồ rơi vào không gian ảo của niềm tin tôn giáo và nghi lễ khiến người ta không cảm thấy là chân mình bị lửa đốt. Những người đưa ra giải thiết trên phần lớn đều có chung giải thích rằng: “Sự tin tưởng tuyệt đối là sẽ không bị bỏng cộng với điệu nhảy tốc độ là bí quyết của việc đi trên thảm lửa”.

Theo quan điểm này thì tai nạn bỏng, bị thương tích thực ra là một hiện tượng phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý. Chính sự tin tưởng tuyệt đối ở những người cuồng tín có thể đã giúp họ không bị bỏng khi nhảy múa trên đống lửa. Thông thường giây phút nhảy múa trên đống lửa được tổ chức sau khi mọi con chiên đã bước vào giai đoạn lâng lâng, rơi vào thế giới hư ảo, tâm lý bị “say”.

Trong những lúc thần kinh rơi vào tình trạng bị kích động, xung quanh cơ thể sẽ xuất hiện một trường vật chất đặc biệt. Chưa ai tìm hiểu được các tính chất vật lý của trường này ra sao nhưng nó có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sức nóng của ngọn lửa. Có thể trường vật chất đặc biệt đã làm cho thời gian trong cơ thể chạy nhanh hơn và vì thế khả năng tỏa nhiệt cao hơn hấp thụ nhiệt nên những phần được trường bao bọc rất kỵ lửa.

Khả năng chịu nóng của con người là lớn

Khả năng chịu nóng của con người thực tế lớn hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Những người sống ở vùng ôn đới, khi môi trường nóng tới 38 độ đã cảm thấy ngột ngạt lắm rồi, thế mà mùa hạ ở châu Úc, châu Phi, nhiệt độ thường lên tới 50-55 độ C. Nhưng dân chúng ở đó vẫn chịu được. Hoặc như khi tàu bè đi từ Hồng Hải đến vịnh Ba Tư, mặc dù trong các phòng của tàu luôn luôn có quạt thông gió, nhiệt độ ở đây vẫn tới 50 độ C hoặc hơn. Mức nóng nhất quan sát trong giới tự nhiên ở trên mặt đất không quá 57 độ C. Nhiệt độ này được xác định tại “thung lũng chết” thuộc California (Bắc Mỹ).

Tuy nhiên, những nhiệt độ kể trên đều được đo trong bóng râm. Tại sao các nhà khí tượng lại phải chọn vị trí như vậy? Đó là vì, chỉ khi nhiệt kế đặt trong bóng râm mới đo được nhiệt độ của không khí. Nếu để nhiệt kế ngoài nắng, mặt trời sẽ hun nó nhiều hơn hẳn so với không khí xung quanh, thành ra độ chỉ của nó không cho ta biết chút gì về trạng thái nhiệt của môi trường.            

Đã có người tiến hành thí nghiệm để xác định nhiệt độ cao nhất mà cơ thể người có thể chịu đựng được. Hai nhà vật lý người Anh đã làm tự “giam” mình trong lò nướng bánh mì mấy giờ liền… Kết quả là các ông vẫn sống… như thường! Trên thực tế, nếu ở môi trường khô ráo, con người có thể chịu được nhiệt độ cao tới 160 độ C.

Họ nhận thấy trong không khí khô ráo, nếu tăng nhiệt độ thật từ từ thì cơ thể chúng ta chẳng những có thể chịu đựng được nhiệt độ sôi của nước (100 độ C), mà đôi khi còn chịu được cao hơn nữa, đến 160 độ C. Hai nhà vật lý người Anh Blagơden và Tsentơri đã chứng minh điều này bằng cách đứng hàng giờ trong lò nướng bánh mì nóng bỏng.

Tại sao con người có năng lực chịu nóng cao đến vậy? Nguyên do là cơ thể con người không tiếp nhận nhiệt lượng đó, mà vẫn giữ thân nhiệt gần với nhiệt độ tiêu chuẩn. Khi đó, cơ thể con người có một “bộ máy điều hoà nhiệt độ” kỳ diệu là… tuyến mồ hôi. Thời tiết nóng quá sẽ làm chúng ta toát mồ hôi. Khi mồ hôi bốc hơi, nó sẽ hút một số nhiệt lượng trong lớp không khí ở gần da, làm nhiệt độ của lớp không khí này hạ xuống xấp xỉ nhiệt độ cơ thể.
d
 

Điều kiện cần thiết duy nhất giúp cho cơ thể người chịu đựng được nhiệt độ cao là cơ thể người không tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt và không khí phải khô ráo. Ở Trung Á, trời nóng 37 độ mà vẫn tương đối dễ chịu. Nhưng nếu ở Saint Peterburg nóng 24 độ thì chúng ta đã cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân là độ ẩm không khí ở Saint Peterburg cao, còn ở Trung Á thì rất ít mưa, khí hậu vô cùng khô ráo.

Như vậy, khả năng chịu nhiệt độ cao của con người trên thực tế là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, khả năng “miễn dịch” với lửa của ông Nathan Coker là trường hợp duy nhất trên thế giới. Đến nay, chưa ai có thể giải thích được nguyên nhân.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, đây là một hiện tượng khác thường trong đó có rất nhiều yếu tố, nguyên nhân chúng ta chưa xác định được vì sao. Thực tế, trên thế giới có khá nhiều trường hợp tương tự có khả năng phát ra lửa, nuốt lửa hay làm nhiễu các loại máy đo về nhịp sinh học, sóng từ trường… Và họ đặt giả thiết đó là do những người đó có khả năng nội sinh mạnh mẽ.

Còn bản thân Nathan Coker cho hay, ông cũng không hiểu sao mình lại có khả năng này, do làm nghề rèn nên hàng ngày ông thường xuyên tiếp xúc với lửa. Có hôm đang làm việc vô tình cầm phải thanh sắt đang nung đỏ rực mà không có bất kỳ một thiết bị phòng hộ nào. Điều đáng ngạc nhiên khi sờ vào mọi thứ lửa, ông cũng không bị bị bỏng hay bị cháy.

Hiện tượng một người bằng da bằng thịt có thể nuốt lửa và ngậm cả dung dịch nung đang đỏ rực lửa vào miệng quả là hi hữu. Xung quanh vị kỳ nhân này còn nhiều bí ẩn chưa từng được tiết lộ, mặc dù khả năng tiếp xúc với nguồn mọi thứ lửa của ông Nathan Coker chưa có một đáp án nào lý giải được. Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà quản lý cũng như một số chuyên gia thì có người có khả năng “miễn dịch” lửa, nhưng rồi đến một lúc nào đó khả năng ấy sẽ mất. Do vậy, chúng ta không thể xem thường tính mạng.
  • Hồng Anh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn