Nga khẳng định lợi ích quốc gia ở Bắc Cực

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nga đã mở trung tâm cấp cứu tai nạn đầu tiên ở phía Bắc, trên địa phận thị trấn Naryan-Mar nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cứu hộ, cứu nạn ở khu vực Bắc Cực.

Ảnh minh họa.

Các chuyên viên của trung tâm sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ xử lý những tình huống khẩn cấp trên tuyến đường biển phía Bắc và trong hoạt động vận tải dầu khí.

TTXVN đưa tin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực, ông Alexandr Danilov cho biết cùng với hoạt động kinh tế ngày càng tích cực ở Bắc Cực, đặc biệt là khu vực phía Tây, xác suất các tình huống tai nạn sẽ tăng lên.

Đáng chú ý là mật độ vận tải hàng hải phía Bắc, thềm lục địa biển Barents và Karsky đang được mở rộng khai thác. Ở Bắc Cực đã xuất hiện các giàn khoan dầu, khí đốt tự nhiên, hệ thống ống dẫn dưới đáy biển. Đó đều là những công trình có tính rủi ro cao.

Ông Danilov nhấn mạnh Nga là thành viên của Hội đồng Bắc Cực, tổ chức quốc tế khu vực nhận trách nhiệm bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả các vụ tràn dầu. Bất kỳ quốc gia nào khai thác hydrocarbon đều phải có các hướng dẫn và kế hoạch ứng phó tai nạn.

Dự kiến, đến năm 2015, Nga sẽ mở 10 trung tâm cứu hộ ở Bắc Cực và sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khai thác Bắc Cực.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, tuy cách xa ngàn dặm nhưng Trung Quốc đã giành được chỗ đứng chân ở Bắc cực - một khu vực rộng lớn từ 66 độ vĩ bắc trở lên phía bắc.

Hiện Trung Quốc đã trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực. Ông Malte Humpert – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Bắc cực cho biết, Trung Quốc còn đầu tư 250 triệu USD để tu sửa một Đại sứ quán mới rất hoành tráng ở Reykjavik – Iceland.

Vậy động cơ đằng sau những hành động này là gì? Không khó để chỉ ra rằng, Trung Quốc đang mơ tới dầu mỏ, khí tự nhiên và nhiều tài nguyên khác ở đây. Cơ quan khảo sát địa chất của Mỹ (USGS) dự tính rằng, có đến trên 20% trữ lượng dầu và khí chưa được phát hiện đang dần dần lộ ra dưới những lớp băng tan.

Ông Humpert kết luận: “Trung Quốc muốn có một phần trong miếng bánh Bắc cực, giành được một ghế trong Hội đồng Bắc cực để chứng tỏ vị thế của một tân cường quốc. Họ biết rằng trong thế kỷ XXI, mảnh đất này sẽ trở thành một điểm nóng tranh giành của các cường quốc trên thế giới”.

Đứng trước động thái này, Nga đã cho triển khai nhiều tàu chiến mới vì nỗi lo "mất Bắc Cực. Theo đó, lực lượng Bảo vệ bờ biển thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) sẽ triển khai bốn tàu chiến mới để bảo vệ khu vực Bắc Cực của Nga vào năm 2020, báo Lao động cho biết.

11 công trình bảo vệ biên giới sẽ được xây dựng ở Bắc Cực, trong khi các hệ thống giám sát tự động sẽ được triển khai trong khu vực trong khuôn khổ của Chương trình bảo vệ biên giới Liên bang Nga giai đoạn 2012-2020 - đại diện của FSB hôm 27/5 cho biết.

Nga đã chính thức đưa ra mục tiêu triển khai lực lượng vũ trang hỗn hợp vào năm 2020 để bảo vệ lợi ích chính trị và kinh tế ở Bắc Cực, bao gồm cả lực lượng quân sự, biên giới và các đơn vị bảo vệ bờ biển.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cảnh báo hồi tháng 12/2012 rằng Nga có nguy cơ mất chủ quyền vào giữa thế kỷ 21 nếu Nga không khẳng định lợi ích quốc gia ở Bắc Cực ngay ngày hôm nay.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn