Người vắt kiệt sức lực và gia tài cho trẻ nhiễm H

( PHUNUTODAY ) - “Khi còn sống, ta cần yêu thương nhau nhiều hết mức có thể. Đừng đợi tới khi ra đi mãi mãi và khóc lóc chỉ là vô ích... Nước mắt không thể đem người chết sống lại. Vì thế hãy trao tình yêu và hãy cho họ được hạnh phúc”.

Bất chấp căn bệnh ung thư quái ác đang ngày ngày bào mòn cơ thể, người phụ nữ với ý chí mạnh mẽ này vẫn không bao giờ thoái lui trước sứ mệnh mà bà tự giao cho bản thân: cứu vớt sự sống của hàng trăm đứa trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS.
[links()]
Mẹ luôn bừng sáng dù không trang điểm bao giờ

Bà Suthasinee Noi nổi tiếng hơn với cái tên Mae Tiew (Mẹ Tiew), theo cách những đứa trẻ mồ côi sống trong Trại trẻ Home Hug (Vòng tay gia đình) dành cho những đứa trẻ có H vẫn gọi.

Mặc dù bà đã thành lập trại trẻ này từ năm 1987, nhưng bà đã mất hơn 10 năm để biến một nơi nương tựa tạm thời thành một trại trẻ mồ côi đúng nghĩa tại Yasothon – miền Đông Bắc Thái Lan.

Suthasinee năm nay 54 tuổi. Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình để duy trì và ủng hộ những đứa trẻ tội nghiệp, mặc cho nỗi đau ung thư trong cơ thể hành hạ bà.

Nhưng “mỏng manh” không phải là từ để miêu tả người phụ nữ tầm thước với nước da nâu này – nhưng bà luôn bừng sáng dẫu chẳng bao giờ trang điểm. Nếu bà là một người phụ nữ yếu đuối, mỏng manh, hàng trăm đứa trẻ sẽ không sống được tới ngày hôm nay.

Ước vọng giúp đỡ mọi người của bà bắt đầu từ hơn 25 trước, khi bà còn ở trường đại học và tham gia vào một chiến dịch tình nguyện hỗ trợ những nông dân nghèo ở tỉnh lẻ. Tuy nhiên, ý chí vị tha của bà đã đến rất lâu, từ khi còn bé xíu.

Mẹ Tiew bên hai con tại trung tâm của mình
Mẹ Tiew bên hai con tại Trại trẻ Home Hug

“Cha mẹ tôi đã dạy tôi một bài học quan trọng: chúng ta phải là một tấm gương tốt cho trẻ em thay vì lặp đi lặp lại những lời răn dạy phải làm gì. Cha tôi là hình mẫu của tôi trong việc khiến cho người khác cảm thấy hạnh phúc và mẹ tôi là thần tượng trong việc chia sẻ tình thương yêu” – bà kể.

Suthasinee là con thứ hai trong gia đình có 3 cô con gái. Tuổi thơ của bà diễn ra chủ yếu tại Quận Rajburana ở Thủ đô Bangkok. Cha bà là một công chức thường xuyên phải làm việc xa nhà, trong khi mẹ bà chỉ đơn thuần là một bà nội trợ.

Hiện, Suthasinee đang chăm sóc người mẹ đang mắc chứng bệnh Alzheimer của mình, cha bà đã qua đời mấy năm về trước. Sau khi giành được tấm bằng cử nhân Tâm lý học tại Đại học Công nghệ Bangkok, Suthasinee quyết định theo nghề giáo ở tỉnh cực Bắc Mae Hong Son – nơi mà các học sinh của bà đều là người dân tộc thiểu số sinh sống trên rẻo cao.

Sau đó một thời gian, bà chuyển về Làng trẻ em ở tỉnh miền cực Tây Kanchanaburi. Tiếp đấy, bà sang công tác trong một tổ chức phi chính phủ với mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống tại những khu ổ chuột trong Quận Khlongtoey của Bangkok.

Trong những khóa đào tạo việc làm trong khu ổ chuột, Suthasinee bắt đầu để ý tới những tổn thương quá lớn mà rất nhiều trẻ em nghèo nhiễm H phải chịu – chúng đã sớm trở thành trẻ mồ côi sau khi cha mẹ chúng lần lượt qua đời vì AIDS.

Tình trạng này cực kỳ phổ biến trong cộng đồng công nhân nhập cư tới từ các tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan. Bà quyết định tìm cách giải quyết vấn đề tận gốc bằng việc chọn đi làm tại tỉnh Yasothon – giữa những khu vực nghèo khổ nhất đất nước của bà – bởi đó chính là nơi bà đã từng đi tình nguyện từ những năm tháng còn là sinh viên.

“Sau một thời gian sống ở Yasothon, tôi nhận ra rằng vấn đề của những trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS phức tạp hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng. Tôi cảm thấy mình buộc phải làm gì đó để giúp đỡ những đứa trẻ ấy bằng cách cho chúng sống một cuộc sống hạnh phúc, với những người thân thích và hàng xóm láng giềng.

Chiến lược tốt nhất là củng cố mối quan hệ gia đình và đẩy mạnh sự chấp nhận về mặt xã hội. Cần thiết phải đề phòng các rắc rối có thể xảy ra, bởi vì chúng ta không bao giờ có thể giải quyết tất cả chúng”, Suthasinee nói.

Mẹ Tiew bên những đứa trẻ tại Trại trẻ Home Hug
Mẹ Tiew bên những đứa trẻ tại Trại trẻ Home Hug

Hiện tại, Trại trẻ mồ côi Home Hug chăm sóc cho khoảng 87 trẻ ở độ tuổi từ 2 tháng cho tới cuối tuổi thiếu niên. Năm trước, con số này là hơn 100 nhưng một số em đã không chống chọi nổi những biến chứng của HIV/AIDS, trong khi một số em khác đã hoàn thành việc học tập.

Bên cạnh việc chăm sóc cho đời sống của những trẻ mồ côi, Suthasinee còn nhận chăm sóc một số trẻ khác, dù chúng vẫn sống với bố mẹ tại nhà.

Trại trẻ mồ côi Home Hug luôn hoan nghênh các tình nguyện viên tới để giúp chăm sóc trẻ em, đặc biệt vào những dịp cuối tuần và kỳ nghỉ ở trường, bởi việc giám sát gần 100 đứa trẻ có những hoàn cảnh khác nhau là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Bà Suthasinee cảnh báo rằng, không khí ở trại trẻ này cứ như là một cuộc “chiến tranh thế giới” vậy.

Thời gian trong năm học, cuộc “chiến tranh thế giới” bắt đầu từ 5-7 giờ sáng. Bọn trẻ thức dậy và chuẩn bị tới trường. Bên cạnh bữa sáng, chúng còn phải uống thuốc thường xuyên. Những trẻ lớn hơn giúp các mẹ làm việc nhà, tưới rau và chăm sóc các em nhỏ.

Sau khi chúng tới trường, cuộc chiến sẽ lui đi trong khoảng vài giờ. Nó bắt đầu quay trở lại vào khoảng 4 giờ chiều và tiếp diễn cho tới khoảng 8 giờ tối. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, “chiến tranh thế giới” liên tục nổ ra từ 5 giờ sáng tới 8 giờ tối,” Suthasinee mô tả đời sống ở trong trại trẻ một cách lạc quan, bà cười trong niềm vui rạng ngời.

Cái chết là một chương khép lại của tình yêu

Người đàn bà thép này đã phải chịu những đau đớn từ căn bệnh ung thư đại tràng từ vài năm nay và thường xuyên phải đi điều trị. Mặc dầu vất vả chiến đấu với bệnh tật, nhưng khát khao giúp đỡ trẻ em chưa bao giờ vơi trong người đàn bà này.

“Khi cảm thấy kiệt sức, tôi bảo lũ trẻ rằng tôi sẽ nghỉ ngơi. Khi tôi khỏe lại, tôi sẽ lại đáp ứng những yêu cầu của chúng. Khi tôi nằm xuống, đầu tôi trở thành món đồ chơi cho chúng. Và “cuộc chiến” lui đi một lúc.

Một số đứa bóp đầu cho tôi trong khi những đứa khác thì kéo chân, kéo tay. Và chắc chắn là chúng sẽ tranh thủ cáo tôi rằng bạn này bạn nọ trêu chọc chúng. Nhưng rồi lời phàn nàn sẽ nhanh chóng bị quên lãng và chúng quay trở lại với các trò chơi vui vẻ của mình” – bà Suthasinee kể.

Ở trại trẻ mồ côi này, vật giá đắt đỏ leo thang là một vấn đề lớn, đặc biệt là giá thuốc. Để duy trì hoạt động của trại, bà Suthasinee đã bán toàn bộ gia sản của mình, bao gồm ngôi nhà mà bà được thừa kế từ cha mẹ.

Quyết định này của bà đương nhiên đã khiến chị em bà nổi giận, nhưng khi chứng kiến những cống hiến và ý chí mãnh liệt của bà, họ đã không khỏi xúc động và cảm phục.

“Đôi khi, chúng tôi bị chậm trả tiền hóa đơn bệnh viện. Tôi yêu cầu họ gửi cho chúng tôi một hóa đơn và hứa sẽ trả tiền sau đó. Vấn đề là đôi khi chẳng có ai quyên tặng gì cả, đặc biệt là khi đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, sự bất hòa trong xã hội và những thiên tai như lũ lụt…

Chúng tôi hiểu toàn bộ tình huống này, nhưng cũng khẩn thiết mong rằng xã hội sẽ không làm ngơ trước sự nghiêm trọng của vấn đề HIV/AIDS, đặc biệt là con số đang tăng lên của những trẻ mồ côi,” bà Suthasinee nói.

Ở Trại trẻ mồ côi, độc lập là đức tính then chốt. Để giải quyết vấn đề thiếu thức ăn cho trẻ, bà Suthasinee thúc đẩy việc trồng rau để tự cung cấp và khuyến khích bọn trẻ đi nhặt rau kiếm cá – những gì có thể ăn được - ở vùng lân cận.

Những ngày may mắn, bọn trẻ có thể được ăn súp trứng với nước mắm. Không may, cũng có những ngày chúng chỉ có cơm với sốt me mà thôi.

Nhiều khách đến thăm trại trẻ đã tỏ ra rất ngạc nhiên. Phần lớn những người hảo tâm tới từ Bangkok ngỡ rằng khi tới thăm ai cũng sẽ buồn thương lắm, nhưng họ thường đến và rời đi trong nước mắt của niềm vui.

“Chúng tôi không bao giờ khuyến khích trẻ tỏ ra đau khổ để người khác rủ lòng thương. Chúng tôi muốn các em độc lập và sống với sự tự tin cùng lòng tự trọng. Không đứa trẻ nào ở đây có vẻ phiền muộn hay tuyệt vọng. Bởi thế, nhiều người nghĩ rằng, Home Hug không cần hỗ trợ gì nữa,” bà Suthasinee chia sẻ.

Mẹ Tiew luôn luôn dạy các con ở trại trẻ hãy biết tự giúp chính mình sống sót và đóng góp cho xã hội trong tương lai. Bà đã đấu tranh hết mình để cho những đứa con trong trại trẻ được đi học cùng lớp với những trẻ em bình thường. Bà cũng dạy các em kiên nhẫn khi bị kỳ thị. Thực tế là một số giáo viên đã gây sức ép với hy vọng rằng, các em sẽ bỏ học.

“Giáo dục là một gia tài vô giá. Chúng ta chẳng có thể cho trẻ em bất cứ thứ gì ngoài giáo dục. Nếu chúng có một cơ hội đến trường và sau đó có bằng cấp, những đứa trẻ sẽ có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Chúng sẽ không bao giờ kết thúc cuộc đời mình bằng cách sa chân vào những tệ nạn như mại dâm hoặc gây ra những hệ lụy xã hội khác. Chúng sẽ có thể góp phần xây dựng xã hội một cách tuyệt vời”, bà Suthasinee tin tưởng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bà Suthasinee đã vượt qua tất cả để học và có được một tấm bằng thạc sĩ và một bằng tiến sĩ trong lĩnh vực phát triển xã hội. Lý do đơn giản của bà là mong muốn trở thành một tấm gương cho các con.

“Thông điệp chủ yếu là dù tôi có già và đau ốm, tôi vẫn phải đến trường,” bà Suthasinee chia sẻ. Những năm đầu mới mở trại mồ côi, bà đã học được một bài học quan trọng – cái chết là một sự thật tự nhiên.

Sau khi các bác sĩ xác nhận rằng một số trẻ đang ở mức trầm trọng nhất của căn bệnh, Suthasinee quyết định đưa chúng trở về trại trẻ. Có khi, bà ôm những đứa trẻ tội nghiệp ngủ trong tay mình suốt đêm. Bà kể chuyện, nói chuyện và hát cho chúng nghe.

Sau những trận ốm thập tử nhất sinh, có trẻ tâm sự rằng, ước mơ cuối cùng của con là được nhìn thấy biển trước khi chết, nghe thế, bà đã đưa đứa trẻ đó tới một thành phố ven biển.

“Đứa trẻ đã đỡ bệnh và sống thêm được hơn 10 năm nữa. Hiện tại, cháu vẫn đang đi học và giúp tôi chăm sóc cho những đứa bé hơn. Tất nhiên là rất nhiều trong số đó không qua khỏi và tôi phải xa chúng mãi mãi.

Trước đây, những trẻ lớn còn phải đào huyệt và giúp nhau làm áo quan cho những em bất hạnh sớm phải lìa đời. Rốt cục, chúng tôi phải tự tay chôn những đứa trẻ xấu số ấy, bởi vì những người làm nghề mai táng từ chối làm việc này, họ sợ lây bệnh.

Thực tế ấy không bao giờ được che đậy trước bọn trẻ. Tôi nói với chúng mọi chuyện, ngay cả về nỗi đau và cái chết. Tất cả trẻ mồ côi ở đây đều biết rõ rằng một hoặc hai người bạn của chúng sẽ không thức dậy vào ngày hôm sau. Chúng biết rõ và không bao giờ đặt câu hỏi”, bà Suthasinee nghẹn ngào.

Bình tĩnh lại, bà rành rọt nói: “Khi còn sống, chúng ta cần yêu thương nhau nhiều hết mức có thể. Đừng đợi tới khi ra đi mãi mãi và khóc lóc chỉ là vô ích. Cái chết là một chương khép lại của tình yêu mà bạn đã chia sẻ. Nước mắt không thể đem người chết sống lại. Vì thế hãy trao đi tình yêu và hãy cho họ được trải nghiệm hạnh phúc”.

  • Phong Châu
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn