9 loại phụ cấp tiền lương mới thế nào?
Theo bộ, nghị quyết 104 ngày 10-11-2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 nêu nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Nghị quyết cũng nhắc tới điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ 1-7-2023, lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Với cải cách tiền lương, khu vực công sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương. Mức lương cơ bản được xây dựng bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Đối với nghị quyết 27, có 9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.
Đó là các loại phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, lưu động, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề, áp dụng đối với lực lượng vũ trang, công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phân loại đơn vị hành chính/phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng theo nghị quyết 27, việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Các phụ cấp tiếp tục áp dụng gồm phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Trong khi đó, nghị quyết nêu gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường.
Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
6 quyền lợi người lao động được hưởng khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng 6%, áp dụng từ ngày 1-7.
Theo đó, mức điều chỉnh cụ thể như sau: Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, khi lương tối thiểu tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hằng tháng người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: Tăng tiền lương ngừng việc; tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Cụ thể, Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019 quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Khi điều chỉnh tăng 6%, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Đồng thời, người lao động sẽ được tăng tiền lương ngừng việc theo quy định Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019, trường hợp phải ngừng việc, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động... với mức tiền lương nghỉ việc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Khi người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động cũng được tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, vì theo các quy định pháp luật hiện hành, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Bên cạnh đó, người lao động được tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Theo Luật Việc làm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.