Vinacomin đòi tăng giá than, điện sẽ tăng giá?

( PHUNUTODAY ) - Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam vừa chính thức đề nghị tăng giá than bán cho điện. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, giá điện sẽ lại có lý do để tăng.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa chính thức đề nghị tăng giá than bán cho điện. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, giá điện sẽ lại có lý do để tăng...
[links()]
Tờ Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, từ 15/9/2012, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh một bước, nhưng hiện cũng mới bằng 71-73% giá thành sản xuất năm 2011 đã được kiểm toán. Nếu so với giá thành năm 2013 thì giá than bán cho điện mới bằng khoảng 63-66% giá thành.

“Hiện khoản bù lỗ giá than bán cho điện, chúng tôi vẫn chưa có nguồn để cân đối”, ông Biên nói.

vinacomin-doi-tang-gia-ban-than-cho-dien-Phunutoday.vn.jpg
Khai thác than tại Quảng Ninh. Ảnh: Vinacomin.

Trong khi đó, theo ông Biên, hoạt động của ngành than đang rất khó khăn, tiền lương công nhân mỏ năm 2012 của Vinacomin đã phải giảm gần 10% so với năm 2011, việc tuyển dụng thợ lò gặp nhiều khó khăn.

“Nếu giá bán than cho điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và thu nhập của người lao động. Khối lượng than xuất khẩu đã giảm, toàn bộ để phục vụ trong nước. Nếu không điều chỉnh giá bán than cho điện thì tập đoàn không biết lấy tiền đâu để đầu tư”, ông Biên khẳng định.

Để "đòi" theo giá thị trường cho giá than, Vinacomin đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Công Thương, đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá than theo lộ trình đảm bảo cuối quý I/2013 giá than ngang bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán, từ quý III/2013 giá than sẽ bằng giá thành 2013, sau đó tiến tới theo giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chỉ còn chờ “cái gật đầu” của các bộ ngành và Chính phủ là giá than sẽ được điều chỉnh.

Trong khi các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra lo lắng vì giá than tăng thì chắc chắn giá điện sẽ tăng, khi mà giá xăng dầu đã tăng trước đó.

Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, 3 “ông lớn” gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cùng nhau ký kết một bản thoả thuận hợp tác chiến lược. Trong bài “Cái bắt tay của ba ’ông lớn’, EVN muốn điện sẽ tăng” chúng tôi đã phân tích tới các yếu tố tăng giá điện, chỉ cần các thành tố giá than, dầu tăng thì giá điện sẽ có cơ sở để tăng. Giờ nếu chấp thuận cho Vinacomin tăng giá than, xem như các yếu tố đã hổi đụ và giá điện tăng chỉ là sớm muộn.

Theo như ông Biên khẳng định: “Nếu không điều chỉnh giá bán than cho điện thì tập đoàn không biết lấy tiền đâu để đầu tư”. Nói vậy, nhưng có lẽ ông Biên đã quên mất rằng, hiện Vinacomin đang có cả ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực như: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hạ tầng…

Theo đề án tái cơ cấu Vinacomin giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinacomin phải thoái vốn khỏi 9 doanh nghiệp. Đó là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm SHB - Vinacomin; Công ty TNHH Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng Vinacomin; Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV - VN Partners; các công ty cổ phần: Bảo hiểm hàng không, Chứng khoán SHS, Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà và Bóng đá Việt Nam.

Dự kiến vào ngày 18/4 tới, Vinacomin sẽ bán 5 triệu cổ phần của mình ở Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI), với giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị khoảng 55 tỷ đồng.

Đấy là chưa kể một lượng lớn than đang bị khai thác và xuất khẩu trái phép đem về cho các “đầu nậu” hàng chục ngàn tỷ đồng, mà trong đó có một phần không nhỏ trách nhiệm quản lý của Vinacomin. Tình trạng này diễn ra từ hàng chục năm nay, nhưng tới nay vẫn chưa xử lý được.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng từng đưa ra tính toán, năm 2012, Vinacomin xuất khẩu được 13,5 triệu tấn than, tạo ra chênh lệch doanh thu với giá bán trong nước khoảng 9.600 tỉ đồng. Song do Nhà nước không quản được xuất khẩu lậu, ước tính 5-6 triệu tấn/năm, trị giá hơn 10.000 tỉ đồng (tạm tính theo giá bình quân năm 2012) đã coi như mất trắng. Như vậy, giá trị xuất lậu còn lớn hơn chênh lệch xuất khẩu của Vinacomin.

Thời điểm than lậu “nóng” nhất là những năm 2007, 2008, khi báo chí vào cuộc điều tra. Khi đó, cuối tháng 4/2008, Chính phủ đã phải tổ chức họp với các đơn vị liên quan để “xiết” lại tình trạng quản lý than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: “Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã buông lỏng quản lý khai thác trong ranh giới mỏ, để các công ty thành viên ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp tư nhân san gạt, bốc xúc, vận chuyển và khai thác tận thu than thiếu chặt chẽ. Khi xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép chưa báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”.

Chính nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than - Khoáng sản VN Đoàn Văn Kiển cũng từng thừa nhận: “Nguồn than xuất lậu ra ngoài chắc chắn có nguồn ăn cắp từ mỏ. Trong ranh giới mỏ, để thất thoát, các công ty thành viên chịu trách nhiệm, chúng tôi quản lý hệ thống cũng có trách nhiệm. Trách nhiệm mỗi cấp khác nhau nhưng nhìn chung chúng tôi phải nhận”.
 

  • P.V (tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn