WB cấm cửa 1 công ty Việt Nam tham gia thầu dự án

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/10 cho biết đã công bố lệnh cấm đối với Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long, một công ty tư nhân có trụ sở chính tại Việt Nam, và các công ty con vì có hành vi lừa đảo trong quá trình tham gia đấu thầu của các dự án.

Theo TTXVN, lý giải về lệnh cấm, WB cho rằng, Công ty Cổ phần Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thăng Long đã có những hành vi sai phạm: nộp những văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu của các dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long- phần do Quỹ Tín thác tài trợ; Dự án giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai và Dự án phát triển bền vững Thành phố Đà Nẵng.

Ảnh minh họa

Ông Leonard McCarthy, Phó Chủ tịch Phụ trách Liêm chính của WB cho biết, “Những trường hợp gian lận như thế này nằm trong một lĩnh vực điều tra quan trọng của Văn phòng Phó Chủ tịch phụ trách Liêm chính của Ngân hàng Thế giới (INT) đối với các trường hợp gian lận để đảm bảo rằng độ tin cậy của hỗ trợ kỹ thuật do các dự án của chúng tôi cung cấp là một phần của giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả,"

Lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 10/2013, trong  thời hạn 29 tháng. Trong thời gian này, công ty trên và các công ty con sẽ bị coi là không đủ điều kiện tham gia bất kỳ hợp đồng nào do WB tài trợ. Theo thỏa thuận, công ty này cũng cần phải thể hiện sự tuân thủ đầy đủ và thỏa đáng với các tiêu chuẩn về liêm chính của Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Phát triển Đa phương khác cũng thực hiện lệnh cấm đối với công ty này theo Hiệp định công nhận lệnh cấm chung đã được ký vào 9/4/2010.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bạn bè quốc tế có động thái “nghiêm khắc” đối với Việt Nam.

Tháng 6/2012, Đan Mạch quyết định ngừng tài trợ 3 dự án cho Việt Nam vì phát hiện tổng số tiền chi “bất thường” có thể lên đến 11,5 tỉ đồng. Đó là những dự án Đan Mạch hỗ trợ cho Việt Nam trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Tháng 12/2008, Nhật Bản đã tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam, đồng thời đóng băng số vốn vay đã cấp cho Việt Nam trong năm đó lên đến 700 triệu USD sau vụ hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI (Pacific Consultants International). Nhật Bản đã rất cương quyết xử lý những khuất tất trong vụ việc với những bằng chứng không thể chối cãi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó cũng rất cương quyết xử đến nơi đến chốn vụ việc này và tuyên bố “Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA”.   Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP.HCM kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông – Tây đã bị bắt và lĩnh 20 năm tù giam vì tội nhận hội lộ.

Không lâu sau đó Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi nhận được phúc trình về các biện pháp chống tham nhũng cũng như kết quả xử lý vụ án PCI.

Tháng 4/2012, báo VnExpress dẫn thông tin từ văn phòng đại sứ quán nước này tại Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2013, các chương trình viện trợ ODA từ Thụy Điển cho Việt Nam sẽ kết thúc.

Trên thực tế, kế hoạch ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam đã được Thụy Điển đưa ra từ năm 2007. Thời gian đó, Chính phủ nước này quyết định rằng các gói hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ kết thúc vào tháng 12/2013. Thụy Điển cho rằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển cần được tập trung cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn