Ông Nguyễn Bá Thanh giục các tỉnh 'xáp vô' chống tham nhũng

11:17, Thứ sáu 30/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Nếu so sánh với cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 thì hầu như tất cả nguyên nhân, tồn tại, giải pháp đều gần giống như các báo cáo hôm nay. Đây là điều rất đáng suy nghĩ".

Quân đông, tướng nhiều, sao khó bắt tham nhũng?

Theo báo Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: “Tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng... Việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tiến độ điều tra một số vụ án còn chậm, kéo dài; số tài sản thu hồi còn ít so với thiệt hại”.

Theo ông Vương, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ mới được thành lập, kinh nghiệm điều tra còn hạn chế, trình độ, năng lực của điều tra viên không đồng đều, chưa đáp ứng được nhiệm vụ công tác.

Nguyên nhân cơ bản này cũng được ông Ngô Văn Khánh - phó tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Sơn - phó chánh án TAND tối cao - trình bày tương tự trong các bản báo cáo của mình.

Tuy nhiên, giải thích trên đây không thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

“Tội phạm về an ninh quốc gia rất tinh vi, phức tạp, có tổ chức mà các đồng chí vẫn khám phá ngon lành. Vậy tại sao các đồng chí cứ nói tội tham nhũng tinh vi, ẩn nên khó phát hiện? Cứ thử bí mật đặt camera ở các khu vực có cảnh sát giao thông, thử đến các nơi phụ huynh xin học cho con vào trường điểm xem nó có ẩn hay không?” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bình luận.

“Nếu so sánh với cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 thì hầu như tất cả nguyên nhân, tồn tại, giải pháp đều gần giống như các báo cáo hôm nay. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Tại sao cứ nói quyết tâm mãi, pháp luật thì không ngừng được hoàn thiện, trước đây nói rằng chưa có tổ chức thì đã thành lập, kiện toàn nhiều cơ quan đặc trách chống tham nhũng... Bây giờ các ngành lại kêu thiếu cán bộ giỏi, thiếu cán bộ có nghiệp vụ cao, tại sao từ bấy đến nay không bố trí, tuyển chọn được cán bộ giỏi?” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Án treo nhiều bất thường

Qua kết quả giám sát thực tế tại các địa phương, các thành viên Ủy ban Tư pháp bày tỏ bức xúc trước tình trạng tòa cho hưởng án treo quá nhiều đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết ở tỉnh Ninh Bình trong hai năm tòa xử 9 bị cáo thì có 8 bị cáo được hưởng án treo, trong đó có bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng. Đại biểu Dương Ngọc Ngưu nói có địa phương đưa ra xét xử 20 bị cáo thì 19 được hưởng án treo, có vụ 100% bị cáo được hưởng án treo. “Có bị cáo Viện kiểm sát đề nghị 16-17 năm tù nhưng tòa cũng cho hưởng án treo, còn những vụ đề nghị 6-7 năm tù thì cho hưởng án treo là chuyện bình thường” - đại biểu Đào Thị Xuân Lan cho hay.

'Phải xáp vô làm ngay'

Cũng bàn về vấn đề phòng chống tham nhũng, tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ về phòng chống tham nhũng cho lãnh đạo Ban Nội chính khu vực phía nam do Ban Nội chính T.Ư tổ chức ngày 29/8, ông Nguyễn Bá Thanh đã tâm tình: “Nội chính là lĩnh vực không tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy. Cứ đụng đâu “chém” đó thì không nên nhưng tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì phải đụng thôi. Cũng phải đương đầu với thế lực bao che tham nhũng, nhóm lợi ích, dựng chuyện, vu khống, gài bẫy, hãm hại…”.

Ông Nguyễn Bá Thanh trao đổi với lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành

Ông Thanh cho biết: “Tôi đã nghe 6 vụ rồi, có vụ lên đến mấy ngàn tỉ thất thoát, đằng sau sự thất thoát có tham nhũng”. “Chuyện tham nhũng đã bị lên án nhiều rồi, nói không còn lời lẽ gì nữa, hết mức rồi nhưng không làm được nhiều, có người nói là nội xâm, có người nói là bầy sâu nên bây giờ đừng nói một đường làm một nẻo nữa mà dân thêm mất niềm tin”, ông nói và nhắn gửi đến lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành là sau khi đã ổn định tổ chức rồi thì đừng cầu toàn. Ngừng trong chốc lát, ông Thanh đề nghị “phải xáp vô làm ngay, không chờ đợi gì nữa, làm một cách quyết liệt, có hiệu quả”. 

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc với những bản án xử sai, dư luận xã hội nói có tiêu cực nhưng sau đó không được kháng nghị, không được cấp phúc thẩm xem xét, thì Ban Nội chính có quyền kiểm tra, giám sát trách nhiệm của thẩm phán hoặc các bên liên quan hay không? 

Theo ông Thanh, Ban Nội chính không làm thay chức năng của các cơ quan tố tụng, không khởi tố, không truy tố, không phán xét nhưng có quyền có ý kiến nếu người ta làm không đúng, “nhưng mà có điều khó, anh phải hiểu biết đủ sức để góp ý”. Ông Thanh “nói nôm na” như trên một chiếc xe, hai ông ngồi hai bên. Người lái thì có nhiệm vụ lái, nhưng người ngồi cạnh cũng phải biết giám sát, yêu cầu người lái đi đúng phần đường, nếu lấn qua làn thì không được, “thậm chí cũng phải biết đường đi chứ, như đi Cần Thơ mà không biết đường rồi để người ta chạy tầm bậy thì biết lúc nào mới tới được”.

Ông Thanh cũng dẫn ra một số bất cập làm cho công tác phòng chống tham nhũng chưa phát huy được hiệu quả, như “10 người tham nhũng mà có đến 7 - 8 người án treo rồi thì răn đe ai được”. “Nhưng mà đồng chí Tổng bí thư đã có kết luận kiên quyết chấn chỉnh, mình cứ thế làm”, ông Thanh nói.

Trong tình trạng tham nhũng trở thành căn bệnh trầm kha vô cùng nhức nhối, có nguy cơ ảnh hưởng đến niềm tin vào chính quyền của người dân. 

Trong hoàn cảnh đó, ở Trung Quốc mới đây đã đưa ra một phương pháp chống tham nhũng mới được hy vọng có thể phát huy hiệu quả đó là thành lập nhóm thạc sĩ chống tham nhũng.

Theo đó, Đại học Nhân dân Trung Quốc mới đây đã đào tạo xong 24 thạc sĩ chuyên ngành “chống tham nhũng”. Theo báo Tân Kinh, nhóm 24 thạc sĩ này đã học hành suốt trong ba năm về những kỹ năng đặc biệt nhằm phát hiện các quan chức tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Mỗi học viên được một giáo sư uy tín và một quan chức chống tham nhũng cấp cao hướng dẫn. Trong số các giảng viên có cục trưởng Tổng cục chống tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Trần Liên Phúc, cục phó Từ Tiến Huy và nhiều quan chức cấp cao khác.

Toàn bộ giáo trình của nhóm được giữ bí mật hoàn toàn. Người ta chỉ biết vài chi tiết như nội quy của lớp học cấm các học viên tặng quà cho người hướng dẫn; khi đi ăn uống với cả lớp, người hướng dẫn sẽ là người thanh toán tiền.

Trong số 24 thạc sĩ chống tham nhũng mới tốt nghiệp, 14 người đã được vào làm việc ở các viện kiểm sát, số còn lại phân bố vào tòa án, ngân hàng, công ty chứng khoán, cục thuế...Nhũng thạc sĩ chống tham nhũng này được hy vọng sẽ trở thành những thành viên cốt cán trong nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc.

Và khi những thông tin về nhóm thạc sĩ chống tham nhũng này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít người đã hy vọng Việt Nam sẽ học tập và áp dụng mô hình này ở Việt Nam nhằm thúc đẩy công tác chống tham nhũng phát triển một cách hiệu quả.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc