Xăng dầu lãi khủng nhờ quỹ bình ổn giá

( PHUNUTODAY ) - Dù giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh, Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ bình ổn để kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Dù giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh, Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ bình ổn để kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Lý luận khi không giảm giá xăng dầu của Bộ Công thương

Theo phân tích của tờ Thanh niên, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành từ tiền của người mua xăng đóng góp nhằm mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng. Thế nhưng, những ngày qua dù giá thế giới đã giảm mạnh, Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ để kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Cụ thể, ở mặt hàng xăng doanh nghiệp được bình ổn với mức 2.000 đồng/lít, 800 đồng/lít với dầu DO, dầu hỏa là 1.150 đồng/lít liên tục từ ngày 26/2 đến nay.

Với mức trích hiện nay, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo nguồn quỹ, sử dụng bù lại khi giá thế giới tăng. Thậm chí có những thời điểm khi giá thế giới xuống thấp, mức trích quỹ bình ổn giá có thể cao hơn, phụ thuộc vào quyết định điều hành của Bộ Tài chính.

gia-xang-dau-minh-bach-nhat-VN-Phunutoday.vn
Các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn nhờ xả quỹ bình ổn do người dân đóng góp.

Thực tế hiện nay doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại đang được duy trì mức xả quỹ cực lớn, kéo dài suốt từ cuối tháng 2/2012 đến nay và các doanh nghiệp đang thu lời từ tiền quỹ của người tiêu dùng.

Cụ thể, tính đến cuối tuần trước, giá cơ sở trung bình 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh. Mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2/2012) đến nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít. Như vậy, việc Bộ Tài chính không có động thái giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá so với mức trích hiện nay, hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu đã giúp doanh nghiệp lấy được từ quỹ của dân 1.000 đồng/lít xăng bỏ vào “túi” mình.

Vô lý hơn, giá cơ sở và giá bán lẻ của dầu DO hiện đã tương đương nhau. Dù không lỗ nhưng Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp được sử dụng 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Tương tự, do giá nhập khẩu đã xuống thấp nên giá cơ sở trung bình 30 ngày của mặt hàng dầu hỏa chỉ còn cao hơn giá bán lẻ hơn 300 đồng/lít. Nhưng Bộ Tài chính vẫn im lặng, cho doanh nghiệp sử dụng tới 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá nên doanh nghiệp lại được hưởng khoản thừa ra hơn 800 đồng/lít.

Theo ước tính sơ bộ, chỉ riêng mặt hàng xăng và dầu DO, tiền quỹ của dân đóng góp được biến thành khoản lời cho doanh nghiệp ít nhất khoảng 50 tỉ đồng mỗi ngày. Nếu tính cả hai mặt hàng còn lại là dầu hỏa và dầu mazut, khoản lời còn có thể lớn hơn.

Ông Đ., đại diện một đầu mối xăng dầu có thị phần lớn cho biết, hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị âm. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng bởi doanh nghiệp tạm ứng, khi giá thế giới giảm, không phải xả quỹ nữa, nguồn tiền từ trích quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít sẽ được bù dần lại.

Theo các chuyên gia xăng dầu, doanh nghiệp ứng tiền ra trước thì cuối cùng người tiêu dùng cũng vẫn phải trả. Cách điều hành thiếu linh hoạt, không bám sát diễn biến giá thế giới hiện nay đã khiến người tiêu dùng bị móc túi.

Việc thu lãi lớn từ quỹ bì ổn, khiến các đầu mối xăng dầu đua nhau tăng chiết khấu cho các đại lý. Hiện chiết khấu mặt hàng dầu đã lên đến 1.100 đồng/lít và xăng lên 700-800 đồng/lít.

Thậm chí, một phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, đồng thời là Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thừa nhận trên Tuổi trẻ, thị trường xăng dầu đang bị loạn chiết khấu. Do cơ quan điều hành giá xăng dầu luôn xử lý chậm trước diễn biến giá thế giới nên mới có tình trạng quỹ bình ổn giá được sử dụng nhiều để doanh nghiệp đem “đua” chiết khấu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhiều lần lên tiếng cần minh bạch trong cơ chế điều hành và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông Phong, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những yếu tố góp phần khiến thị trường xăng dầu không minh bạch. Cơ chế điều hành hiện nay có thể dẫn đến sự lạm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, dựa vào cơ chế điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, xin - cho cả về thời điểm cũng như mức trích lập và sử dụng quỹ.

Ông Phong cũng từng cho rằng, điểm “dở” nhất của Nghị định 84 là không tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải giảm giá. Trước nay, các doanh nghiệp thường rất sốt sắng chứng minh lỗ lã để được tăng giá chứ ít khi nói đang có lãi để xin giảm giá. Thậm chí, doanh nghiệp có thể sử dụng một số “công nghệ” để giải thích cho việc chậm giảm giá.

Trong khi, theo giải thích của Bộ Công thương, chưa thể giảm giá bán lẻ xăng dầu vì: Nếu tính giá cơ sở bình quân 30 ngày thì mức giảm của giá thế giới là không đáng kể.

Và Bộ này kêu gọi người dân cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp!

  • P.V (tổng hợp)

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn