Sự thật chưa kể về khúc gỗ "ma quái" tại Hà Nội

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bao lâu nay, tại bến sông Tích, làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất có một khúc gỗ đen, dù nước sông cuốn đi xa thì vẫn trở về vị trí cũ.

Bao nhiêu lần, người dân nơi đây lấy làm lạ và coi khúc gỗ như một vật kỳ bí, gọi đó là “khúc gỗ biết đi” vẫn tự biết tìm đường quay về.  Ở đây cũng không ai dám xâm phạm đến khúc gỗ bởi người tham lam chiếm nó làm của riêng đều gặp những chuyện không may.

Chuyện lạ về “Khúc gỗ biết đi” 

“Khúc gỗ biết đi” mà người dân Yên Lạc truyền tai nhau chính là khúc gỗ đen nằm trên bến nước sông Tích ngay trước cửa đình làng Yên Lạc, nơi cây đa cổ thụ 9 gốc toả bóng mát. Khúc gỗ có từ bao giờ không ai rõ. Ngay cả những lão niên lớn tuổi nhất trong làng đều bảo rằng, từ ngày bé, họ đã được ông cha kể cho nghe những câu chuyện về nó.

Mô tả ảnh.
Anh Bình kể chuyện "khúc gỗ biết đi" ở bến sông 

Chuyện kể rằng, thời Hồng Đức nguyên niên đình làng Yên Lạc được xây dựng. Khi làm đình còn thừa khúc gỗ thông, mọi người đem ra đặt ở bến nước. Và khúc gỗ có từ hồi đó, ước chừng đã được vài trăm tuổi.

Đi khắp làng Yên Lạc, chúng tôi được nghe những câu chuyện ly kỳ xung quanh khúc gỗ đen kỳ lạ của làng quê. Các cụ cao niên cho biết, trước đây, khúc gỗ to và rất chắc. Qua bao nhiêu năm dập vùi sóng nước, nó mòn đi và trở nên đen kịt như bây giờ.

Cụ Khâu, 70 tuổi kể về sự kỳ lạ của khúc gỗ. Cụ cho biết: “Lúc tôi 5-6 tuổi mỗi lần ra đình chơi tôi đã thấy có 2 khúc gỗ giống như 2 con cá nằm đó. Nhưng giờ chỉ còn một. Trước đây khúc gỗ to lắm, rất chắc và nặng. Đến giờ, trải qua bao năm tháng cọ xát với sông nước, khúc gỗ đã nhỏ dần đi  rất nhiều”. “Khi trời mưa to, nước dâng lên cao khiến khúc gỗ bị cuốn trôi theo dòng sông Tích. Sau một thời gian, dân làng thấy khúc gỗ quay về chỗ cũ” - cụ Khâu cho biết thêm.

Anh Bình, 40 tuổi, người thôn Yên Lạc nói: “Sống ở đây, tôi đã chứng kiến năm 2008 lũ lụt tràn về, khúc gỗ bị cuốn trôi theo dòng nước. Nhưng sau một thời gian, dân làng lại thấy nó trở về nguyên chỗ cũ. Kỳ lạ lắm”.

Quanh làng Yên Lạc mọi người còn truyền tai nhau câu chuyện thực hư về khúc gỗ. Có người nói đêm về họ bắt gặp hai nàng tiên nữ mặc áo trắng xoá đang ngồi chơi trên khúc gỗ. Hay như có người còn nói, họ nghe thấy tiếng trẻ con nô đùa ngoài bến sông, đến khi chạy ra thì thấy hai đứa trẻ trần truồng đang vật nhau trên khúc gỗ. Có người đến là chúng biến mất.

Không những thế, họ còn nhắc nhở nhau câu chuyện về người tham lam, mang khúc gỗ đó về làm của riêng, đã gặp những chuyện không may, phải mang trả khúc gỗ về lại bến sông. Có người bị tâm thần, có người làm ăn thất bát phải tha hương đi nơi khác.

Ông Nguyễn Văn Dậu, nguyên Trưởng ban quản lý khu di tích làng Yên Lạc cho biết: “Trước đây bến sông Tích có hai khúc gỗ nhưng năm 1981-1982 có một người đàn bà lấy một khúc chẻ làm gỗ. Sau đấy người ta thấy bà bị tâm thần rồi bỏ đi đâu biệt tích đến giờ”.

Sự thật về khúc gỗ đen kỳ lạ

Ở Yên Lạc này, chẳng ai cất công để tìm hiểu hay sưu tầm tài liệu về khúc gỗ cũng như sự kỳ lạ của nó. Họ cho rằng khúc gỗ đã có từ bao đời nay thì mọi người coi như vật chung, cứ để đấy và giữ lấy mà dùng. Người dân Yên Lạc vẫn truyền miệng những câu chuyện nửa thực nửa hư ấy và vẫn tin bằng một niềm tin tâm linh không cần lời giải thích. 

Nhiều người lý giải cho sự “kỳ lạ” của khúc gỗ đen. Người thì cho rằng đó là “khúc gỗ thần”; người thì bảo khúc gỗ ấy lấy từ trong đình ra, được các Thánh đã “yểm bùa”, không ai được phạm… Tất cả những lời giải thích ấy thực chất chỉ mang nhiều màu sắc tưởng tượng và không có tính khoa học.

Mấy cụ trong hội người cao tuổi của làng thì cho rằng sự kỳ bí của khúc gỗ đen có liên quan đến bãi đá đen phía cuối làng, cách đình làng và bến nước không xa. Tương truyền rằng, vào cuối thế kỷ thứ IX, một nhà phù thuỷ cao tay của Trung Quốc là Cao Biền đã đến đây trấn yểm. Hiện nay, trên các hòn đá vẫn có hình bước chân trấn yểm của Cao Biền xưa. Trong Bảo tàng tỉnh Hà Tây còn lưu giữ một tấm đồ có đánh dấu những vùng đất trên tỉnh bị Cao Biền yểm mạch.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Văn Dậu kể lại vụ việc

Để tìm hiểu ngọn ngành về sự kỳ lạ của khúc gỗ vài trăm tuổi, chúng tôi tìm đến gặp ông Nguyễn Văn Dậu, nguyên Trưởng ban quản lý khu di tích làng Yên Lạc. Ông Dậu là người duy nhất ở Yên Lạc sưu tầm nhiều tài liệu nhất về khúc gỗ cổ. Ông Dậu cho hay, Yên Lạc là một vùng đất cổ theo cấu trúc: cây đa, bến nước, sân đình.

Và khúc gỗ cổ nằm ở bến sông Tích cũng mang màu sắc tâm linh từ vùng đất linh thiêng của quê hương. Mọi câu chuyện mà người dân nơi đây truyền miệng, kể cho nhau nghe đều mang yếu tố tâm linh của một đồ vật cổ của quê hương. Điều đó vẫn đáng trân trọng trong đời sống tâm linh của người dân quê.

Nhưng ông cũng có lời giải thích khoa học về khúc gỗ cổ kỳ lạ này. Ông nói: “Trước đây, nghe dân làng đồn thổi về khúc gỗ, tôi đã mang dao ra gọt một ít đưa về nghiên cứu. Khúc gỗ ấy là gỗ thông, có khối lượng riêng vào loại trung bình. Trọng lượng riêng của gỗ tương ứng với trọng lượng riêng của nước nên thả xuống nước nó không chìm lỉm cũng không nổi lênh bênh, chỉ là là sát mặt đất, mặt nước. Hơn nữa, bến sông bên này lại thoai thoải vì là bên bồi. Theo dòng chảy của nước thì từ trên cao nước chảy xuống chỗ thoải nên dù có bị nước cuốn đẩy đi thì nó vẫn về vị trí cũ là như vậy”.

Về các câu chuyện kỳ bí xung quanh “khúc gỗ biết đi”, ông Dậu nói: “Chúng tôi coi khúc gỗ là vật cổ của quê hương. Trải qua bao đời, người già trẻ con đều truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí nhưng bản thân tôi chưa nhìn thấy hiện tượng đó bao giờ. Có thể, mọi người nghĩ nhiều đến tâm linh nên đã tưởng tượng, sáng tác ra để truyền lại cho con cháu, qua đó gìn giữ, bảo vệ khúc gỗ và mong muốn thế hệ sau sống tốt hơn, luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội”.

Bao đời nay, người dân Yên Lạc đã quen với sự hiện diện của khúc gỗ đen ấy, gắn bó mật thiết với nó như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Những người đi người đi làm đồng về, qua bến sông để chân lên khúc gỗ kỳ cọ. Các mẹ, các chị vẫn dùng nó làm bàn giặt quần áo. Trẻ em thì vô tư nô đùa bên bến nước, lấy khúc gỗ đen làm cầu, lao mình xuống dòng nước trong veo... Đến ngày tết các gia đình còn dùng khúc gỗ cổ để làm bàn rửa lá dong gói bánh chưng. 

Trong quan niệm của người dân nơi đây, khúc gỗ đen là một vật cổ thiêng liêng trong tâm tưởng, là thế giới tâm linh của người dân ở mảnh đất quê hương giàu nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời xưa ông cha để lại.

Ông Kiều Văn Tưởng - Phó chủ tịch xã Cần Kiệm cho biết: “Khúc gỗ trên bến sông Tích có từ bao đời nay, giờ nó vẫn tồn tại ở đấy. Những câu chuyện về khúc gỗ tôi nghĩ đó chỉ là tâm linh trong nhân dân, còn tôi nghĩ đó chỉ là khúc gỗ thông thường. Những câu chuyện tâm linh về khúc gỗ được lưu truyền trong nhân dân chỉ mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người luôn gìn giữ và trân trọng quá khứ, nhớ tới tổ tiên, sống tốt đời đẹp đạo, không phải truyền tải mê tín dị đoan”.
Bí ẩn khu rừng ma quái, khiến du khách mất tích ở Romania
Không ít du khách vào rừng thám hiểm xuất hiện triệu chứng phát ban, bỏng không rõ nguyên nhân, có vết xước lạ trên người, thậm chí chóng mặt hoặc mất tích.
 
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT