Sắc đẹp tỷ lệ thuận với chiều dài của cái đầu
Bộ tộc Mangbetu ở Cộng hòa dân chủ Congo cũng sở hữu một cách làm đẹp có một không hai mà chỉ mới nghe qua đã khiến nhiều người phải sởn gai ốc đó là làm đẹp bằng cách kéo dài đầu. Theo cách làm đẹp này, những người trong bộ tộc Mangbetu phải làm cho phần đầu của mình dài hơn bình thường càng nhiều càng tốt. Song, chiếc đầu không chỉ đơn thuần được kéo dài ra theo phương thẳng đứng thông thường mà phải nghiêng về phía sau và tạo mới mặt đất 1 góc khoảng 45 độ mới được cho là đẹp.
Người Mangbetu đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ bằng cách nhìn vào chiếc đầu của họ. Cô gái sở hữu chiếc đầu dài và có độ nghiêng hợp lý được cho là một phụ nữ đẹp. Ngoài ra, người phụ nữ đó sẽ càng đẹp hơn nếu như họ sở hữu một cái trán phẳng. Để có được cái trán phẳng phải phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay khéo léo của những người làm nhiệm vụ kéo dài đầu.
Một bé trai sau khi kéo dài đầu |
Đầu thế kỷ 19, bộ tộc Mangbetu chỉ là một nhóm người thiểu số sống ở ven những khu rừng mưa nhiệt đới dọc con sông Bomokandi. Sau đó, bộ lạc này đã di cư và hiện đang sinh sống tại tỉnh Orientale, phía đông bắc của nước cộng hòa Congo. Bộ tộc Mangbetu được nhiều người biết đến bởi những thành tựu rực rỡ về nghệ thuật và âm nhạc. Năng khiếu nghệ thuật của họ không chỉ thể hiện trong cách xây dựng, trang trí nhà cửa mà còn thể hiện ở việc chế tạo ra nhiều loại vũ khí, nhạc cụ và đặc biệt nhất là cách họ làm đẹp cơ thể mà điển hình là việc kéo dài đầu.
Trong quan niệm của người Mangbetu, người sở hữu chiếc đầu dài sẽ được cho là có địa vị cao hơn trong xã hội, thông minh và gần gũi với các thần linh hơn. Họ cũng tin rằng việc kéo dài đầu sẽ khiến các thần linh hài lòng và nhờ đó sẽ phù hộ và mang đến những điều tốt lành cho bộ tộc. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ, những người Mangbetu đã chấp nhận đau đớn để có một chiếc đầu dài đẹp như ý muốn.
Gian nan quá trình kéo dài đầu
Việc kéo dài đầu phải tiến hành ngay từ khi đứa trẻ vừa tròn 1 tháng tuổi, bởi lúc ấy, phần xương sọ còn mềm và dễ nắn chỉnh. Những bà mẹ sẽ đảm đương công việc đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận này. Họ dùng vải mềm quấn chặt nhiều vòng từ trán đến hết phần đỉnh đầu của em bé. Đôi khi, họ có thể thay thế vải bằng một loại sợi được tước từ thân 1 loài cây bản địa. Việc quấn vải chặt từ phần trán là bí quyết giúp các bé gái khi lớn lên có trán phẳng đẹp như mong muốn. Vải và dây sẽ được quấn trên đầu của các em nhỏ liên tục trong nhiều năm để làm phần đầu thóp lại và dài ra. Thông thường, những chiếc đầu có thể dài ra gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với kích thước trước khi được kéo dài.
Ban đầu, những em bé có thể cảm thấy bức bối và đau đớn vì những thứ quấn quanh đầu, chúng thường phản đối bằng cách kêu khóc hoặc dùng tay để dứt ra, nhưng dần dà, chúng sẽ quen và chấp nhận nó như một phần của cơ thể. Phần đỉnh đầu sẽ được quấn chặt tay hơn để đảm bảo rằng chiếc đầu thuôn nhỏ dần về phía cuối. Nếu phần đầu được kéo dài ra chưa đủ độ nghiêng, những bà mẹ sẽ dùng thêm dây vải để buộc chéo từ đỉnh đầu ra trước trán nhằm giữ cho phần xương sọ luôn được kéo nghiêng về phía sau gáy.
Phụ nữ Mangbetu với cái kiểu đầu đặc trưng |
Khi phần xương sọ đã dài ra và cứng lại thành hình dạng cố định, dây quấn trên đầu sẽ được gỡ bỏ. Những bé trai có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống với chiếc đầu dài như bố và ông của mình, còn những bé gái sẽ thực hiện những bước tiếp theo để tô điểm cho chiếc đầu thêm phần xinh đẹp. Tóc của những bé gái sẽ được tết chặt và buộc gọn lại ở đỉnh đầu. Sau đó, những bà mẹ sẽ cho con gái mình đội một chiếc khung để tạo hình kiểu tóc. Chiếc khung bao gồm 1 phần để chụp vào đầu và 1 phần to hơn, xòe ra trông giống 1 chiếc loa nhằm ăn gian chiều dài của chiếc đầu. Gọi là khung nhưng thực chất nó rất mềm, thoáng và không làm trầy xước da đầu vì được đan từ vỏ cây. Chiếc khung được chụp cố định vào đỉnh đầu và thông thường những bé gái sẽ đeo chúng cho đến hết đời. Trông xa, những chiếc khung được bện từ vỏ cây chẳng khác nào những kiểu tóc giả làm tăng sự quyến rũ của phụ nữ Mangbetu.
Theo những bậc lão niên trong bộ tộc, phong tục khác người này đã có từ khá lâu và do một số phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc trong xã hội người Mangbetu nghĩ ra. Những người phụ nữ này đã thực hiện với những đứa con của mình và sau đó nó được nhân rộng ra khắp bộ lạc và được những đời sau duy trì. Phong tục này cho thấy con mắt nghệ thuật rất độc đáo của bộ tộc Mangtebu so với những bộ tộc cùng sống chung trên 1 vùng đất. Nhiều bộ tộc láng giềng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với người Mangtebu và mong được bộ tộc này chỉ dạy nghệ thuật làm đẹp. Một điều thú vị là quan niệm về cái đẹp của bộ tộc Mangbetu lại có rất nhiều nét tương đồng với 1 số bộ lạc khác trên thế giới khi tiêu chí đánh giá cái đẹp đều dựa vào… độ dài.
Các em bé được mẹ kéo dài đầu từ khi rất nhỏ |
Mặc dù chiếc đầu dài là biểu tượng cho cái đẹp song nó cũng mang lại không ít phiền hà trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của những người dân bộ lạc Mangtebu. Do phần đầu dài ra nghiêng về phía sau gáy nên gây khó khăn cho việc nằm ngủ, bởi người Mangtebu không thể nằm thẳng mà chỉ có thể nằm nghiêng 2 bên hoặc nằm xấp. Những chiếc gối cũng phải được thiết kế lớn hơn thông thường để vừa với những chiếc đầu to ngoại cỡ. Đồng thời, việc đội những bộ khung dính chặt vào tóc cũng gây trở ngại và mất thời gian trong việc vệ sinh đầu tóc của phụ nữ trong bộ lạc. Thêm vào đó, vải hoặc sợi cây quấn chặt đầu các em bé từ khi mới 1 tháng tuổi cũng bị cho là ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cục đến sức khỏe.
Từ nhiều năm nay, những người Mangbetu trẻ tuổi đã không còn mặn mà với tập tục kéo dài đầu nữa bởi cách thức tiến hành cầu kỳ và tốn thời gian. Mặt khác, họ cũng cho rằng chiếc đầu quá khổ là không cần thiết và gây nhiều bất tiện cho cuôc sống hiện đại. Dù vậy, những người Mangbetu vẫn kể cho con cháu nghe về những phong tục của ông bà, tổ tiên mình. Họ cũng lưu giữ rất nhiều những bức tượng gỗ tạc hình người phụ nữ Mangbetu với chiếc đầu dài và mái tóc được tạo hình cầu kỳ như một biểu tượng đặc trưng cho vẻ đẹp vốn không thể lẫn với bất kỳ bộ lạc nào khác.