11 việc đơn giản nhưng phúc báo cao dày: Ông bà, cha mẹ làm con cháu hưởng lộc giàu có, sung túc ngàn đời

( PHUNUTODAY ) - Không phải cứ giàu có mới bắt đầu tích đứa, đây là 11 việc tích đức đơn giản không tốn một đồng xu. Ông bà cha mẹ làm, con cháu hưởng lộc ngàn đời sau.

Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, ý muốn dạy chúng ta rằng làm gì thì cũng phải coi trọng đức, tích đức và đề cao tầm quan trọng của đức.  Không cần phải có cuộc sống dư giả với tiền bạc và cuộc sống đáng mơ ước bạn mới bắt đầu tích đức, có những cách tích đức đơn giản. Thông thường chúng ta chỉ hiểu rằng giúp đỡ ai đó bằng tiền bạc khi họ khó khăn được xem là tích đức nhưng còn có nhiều hình thức khác mà không cần tới tiền bạc. 

1. Tích đức từ lời nói

Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Lời nói thẳng khó nghe thì có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Các cụ thường nói: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe” Trước khi phê bình người khác chúng ta hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe. Một lời khen ngợi, động viên đúng lúc có giá trị ngàn vàng, có thể cứu tâm hồn đang bị tổn thương.

2. Mỉm người với người khác

 Hãy thử tưởng tượng về một khuôn mặt cáu kỉnh, khó gần mà bạn phải nhìn thấy mỗi sáng bạn sẽ có cảm giác nặng nề như thế nào. Nụ cười có thể xóa tan những khoảng cách, và thậm chí nụ cười chân thành còn có giá trị hơn cả ngàn vàng mang lại sức mạnh cho những người xung quanh. Khi niềm vui được lan tỏa cũng là lúc bạn mang phước lành tới mọi người và cũng là mang lại phước lành cho chính mình. Đây thực sự là cách tích đức đơn giản, hiệu quả mà bạn ít khi nghĩ tới đấy.

3. Biết cảm ơn 

 Hãy cảm ơn vì những gì bạn đang có và nhớ trân trọng vì sự hiện diện của mình trên cuộc đời này, đó là công sức của đấng sinh thành và của những người giúp đỡ có được cuộc sống hiện tại. Với thái độ biết ơn bạn sẽ luôn sẵn lòng nói lời cảm ơn tới người hỗ trợ bạn dù là những việc nhỏ nhặt nhất thường ngày. Không chỉ có thế, bạn cũng hãy nói lời cảm ơn tới người ghét bạn, những đối thủ của mình vì họ sẽ mang lại cho bạn sức mạnh tiềm tàng mà bạn ít khi có cơ hội phát huy. 

4. Tạo thuận lợi cho người khác

Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình. Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa. Mình giúp người lúc này, lúc khác sẽ có người giúp mình. Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.

5. Biết tán thưởng

Tán thưởng người khác là cách tích đức đơn giản mà ai cũng nên học tập và tạo thành thói quen thường trực của bản thân. Ai cũng thích nghe những lời khen, vì thế hãy học cách khen người khác nhưng phải là một lời khen chân thành, không sáo rỗng. Hãy nhìn về điểm tốt của họ để ca ngợi, họ sẽ vô cùng biết ơn bạn. Ai cũng cần dù chỉ là một người tán đồng với mình, thấu hiểu mình.

6. Tín nhiệm người khác

 Ai cũng mong có người thấu hiểu, thừa nhận mình. Hiểu người khác cũng chính là đem lại lợi ích cho họ, cho chính bản thân bạn. Khi đã hiểu được tâm tình, tâm sự bạn sẽ dành cho đối phương sự tin tưởng mà họ cần, giúp họ tự tin hơn, cuộc sống đẹp hơn. Khi đã giao việc cho ai thì phải tin tưởng họ, còn một khi không tin tưởng thì không giao phó.

7. Tôn trọng người khác

 Hãy luôn đặt sự tự tôn của người khác ở vị trí cao nhất, thậm chí cao hơn chính bản thân mình. Sự tôn nghiêm của một người chính là phẩm giá và đạo đức, đôi khi là sinh mệnh của họ. Đừng bao giờ mạo phạm người khác nếu không muốn chính mình cũng bị mạo phạm. Đối xử với người khác như mong muốn cách người khác đối xử với chính mình vậy.

8. Tích đức từ tính cách khiêm nhường

 Người xưa nói, người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Hãy tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi và học cách buông bỏ kiêu căng, giảm bớt vị kỷ. Khiêm tốn không bao giờ là thừa vì núi cao sẽ có núi cao hơn. Khi ta khiêm tốn, dừng lại một chút có thể học được những sáng kiến hay của người khác mà khi kiêu căng có thể làm mờ mắt.

9. Chân thành với mọi người

Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành. Phải luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ. Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó. Nếu bạn sống giả dối thì đừng trách người khác cũng giả dối với mình. Có được chữ tín bạn sẽ có sức mạnh vô song. Hãy giữ gìn chữ tín, lòng chân thật, bạn sẽ thu phục được lòng người, sẽ trở thành người được yêu mến, thành công. 

10. Biết lắng nghe

Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất. Đủ lòng kiên nhẫn để lắng nghe người khác nói, bạn cũng sẽ đủ lòng kiên nhẫn để thấu hiểu, yêu thương con người. Và đó cũng chính là cách giúp đỡ những người đang đối mặt với khó khăn mà không tiền bạc nào có thể thay thế được.

 11. Lòng khoan dung

 Khi dễ dàng tha thứ bạn mới thực sự đủ rộng lượng, khoáng đạt, tâm hồn của bạn cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Với lỗi lầm của người khác, bằng sự khoan dung của bạn sẽ là cơ hội cho họ sửa đổi bản thân, tránh việc hận thù khiến cuộc sống thêm tù bức, khó chịu. Khoan dung là dòng nước mát tưới tắm tâm hồn khổ đau, cũng là liều thuốc giải độc cho mọi oán thù trên cõi đời này.

Tác giả: Vũ Thêm