2 cách chế biến cọng rau muống già cực ngon, lạ miệng đổi bữa cho gia đình, đừng vứt bỏ mà lãng phí

( PHUNUTODAY ) - Khi mua rau muống chúng ta thường nhặt bỏ phần cọng phía trên vì sợ chúng già cứng hơn phần đọt ngọn phía dưới. Nhưng với 2 cách chế biến này thì cọng rau muống già lại cực ngon

Trong ẩm thực Việt, rau muống là loại rau ngon, là món ăn phổ biến trên toàn quốc. Rau muống thường được dùng luộc, xào. Đặc biệt khi mua rau muống về, các gia đình thường vặt bỏ phần cọng trên, giữ lại phần ngọn non. Nhưng phần cọng già phía trên dùng để ngâm chua ngọt, làm kim chi lại cực ngon, ăn giòn giòn và không ngán. 

Hãy cùng đổi món cho gia đình với 2 cách chế biến cọng rau muống lạ miệng này nhé:

Cọng rau muống có thể chế biến thành món chua ngọt hoặc kim chi rau muống

1. Cách muối rau muống chua ngọt truyền thống

Nguyên liệu cần chuẩn bị:1 mớ rau muống (khoảng 300g – 400g), có thể tận dụng phần cọng phía trên, hoặc cùng toàn bộ cọng rồi bỏ hết phần lá. Nhưng để giòn ngon thì nên ưu tiên phần cọng phía trên, phần ngọn non sẽ không ngon bằng phần cọng già (chỉ là tránh dùng loại quá già chát).

5 trái ớt chỉ thiên (tùy khẩu vị cay, nếu không ăn cay thì không cho ớt)

5 củ hành tím

5 tép tỏi

150g đường

1 muỗng canh muối biển (dùng muối biến không dùng bột canh)

120ml giấm trắng

500ml nước lọc

Sơ chế rau muống: Bỏ phần lá rau muống đi, chỉ lấy cọng, phần cọng ăn giòn hơn phần lá và không làm bị khú kháng như lá. 

Nhặt xong thì cho rau rửa sạch dưới vòi nước chảy, rồi ngâm với nước muối loãng hoặc nước rửa rau củ chuyên dụng. Cách làm này giúp loại bỏ vi khuẩn, ký sinh trùng nếu có và giữ màu rau tươi xanh.

Phần cọng rau muống ăn giòn ngon hơn

Rửa lại bằng nước sạch, để ráo rồi cắt khúc vừa ăn, khoảng 5-7 cm.

Tỏi, hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng không quá mỏng. Ớt rửa sạch, để nguyên quả hoặc cắt lát nếu muốn cay hơn.

Nấu nước ngâm rau muống: Cho 500ml nước lọc, 150g đường, 1 muỗng canh muối biển và 120ml giấm trắng vào nồi.

Đun sôi hỗn hợp, khuấy đều cho đường tan hết.

Để nguội hoàn toàn trước khi cho rau muống vào muối để tránh làm rau bị nhũn.

Cách muối chua rau muống:

Cho rau muống, tỏi, hành tím và ớt vào hũ thủy tinh hoặc hũ nhựa sạch.

Rót nước chua ngọt đã nguội vào, đảm bảo nước ngập hết rau. Có thể dùng phên nén hoặc đĩa nhỏ để nén rau xuống. Tránh để rau muống nổi trên nước sẽ gây thâm và nổi khú váng. Cách làm này tương tự muối dưa cải, dưa cà.

Đậy kín nắp, để nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao. Sau khoảng 3 – 4 ngày, rau muống sẽ lên men, chuyển sang màu nâu vàng nhẹ, vị chua ngọt giòn ngon là có thể ăn được.

Gợi ý cách thưởng thức: Rau muống muối chua ngọt có thể ăn kèm cơm, thịt luộc, cá kho hoặc chấm thêm nước mắm tỏi ớt. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dưa giữ được độ giòn và dùng dần trong 5–7 ngày.

Rau muống muối chua ngọt rất hấp dẫn chống ngán

2. Cách làm kim chi rau muống kiểu Hàn Quốc

Nếu bạn thích vị đậm đà, cay nhẹ và muốn ăn ngay sau khi làm thì hãy thử biến tấu rau muống thành món kim chi cực lạ miệng. Dưới đây là cách làm kim chi rau muống đơn giản nhưng vẫn giữ trọn hương vị.

Nguyên liệu: 1 mớ rau muống

2 muỗng canh ớt bột Hàn Quốc (có thể điều chỉnh tùy khẩu vị)

1 muỗng canh đường

1 củ hành tây

1 củ cà rốt

Đầu hành lá

Sơ chế: Nhặt bỏ rau muống, bỏ lá, rửa sạch rồi ngâm với 3 muỗng muối trong khoảng 2 tiếng. Trong thời gian này, muối sẽ giúp rau mềm hơn và giữ độ giòn. Độ mặn của muối đủ để đảm bảo rau muống thoát nước để trở nên dai, bẻ không gãy.

Kim chi rau muống hấp dẫn

Sau khi ngâm, rửa lại với nước sạch, vắt nhẹ để rau ráo nước và bớt mặn.

Thái nhỏ hành tây, cà rốt bào sợi. Đầu hành rửa sạch, cắt khúc. Ngâm hỗn hợp này trong nước lạnh khoảng 30 phút để giảm vị hăng.

Trộn kim chi: Cho rau muống, cà rốt, hành tây, đầu hành vào một tô lớn.

Thêm ớt bột Hàn Quốc và đường vào, đeo bao tay nilon rồi trộn đều bằng tay. Có thể thêm chút nước lọc để hỗn hợp dễ thấm.

Kim chi có thể ăn liền sau khi trộn hoặc để trong hộp kín, cất tủ lạnh 1 – 2 ngày để có vị chua nhẹ, đậm đà hơn.

Mẹo nhỏ: Nếu muốn vị giống kim chi Hàn Quốc hơn, bạn có thể thêm tương ớt Hàn Quốc hoặc một ít lê xay nhuyễn để tạo độ ngọt tự nhiên.

Tuy nhiên, phiên bản kim chi rau muống này được điều chỉnh phù hợp khẩu vị người Việt, không có tôm tép lên men nên dễ ăn và hợp với khí hậu nhiệt đới hơn.

Tác giả: Như Bình