Từ 1/7/2024 tới đây, Luật Căn cước có hiệu lực, trong đó, có quy định các trường hợp bị giữ và thu hồi thẻ Căn cước.
Theo đó, thẻ căn cước công dân theo quy định hiện nay sẽ đổi thành thẻ căn cước.
Công dân bị giữ thẻ căn cước trong 02 trường hợp: Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Công dân bị thu hồi thẻ căn cước trong 03 trường hợp: Bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Thẻ căn cước cấp sai quy định; Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.
Người bị giữ thẻ căn cước sẽ được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước. Cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện thủ tục tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì có trách nhiệm thu hồi để hủy thẻ căn cước của công dân và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước.
Trong khi đó, thẩm quyền giữ thẻ căn cước thuộc về cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đặc biệt, theo Luật Căn cước 2023, các loại Chứng minh nhân dân (CMND) chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024.
Từ năm 2025, Công dân đang dùng CMND dù còn hạn cũng phải đổi sang thẻ căn cước. CMND hết hạn trong khoảng thời gian từ 15/01/2024-30/6/2024 thì vẫn được sử dụng đến hết 30/6/2024.
Người dùng CMND nên đi đổi sang thẻ căn cước trong khoảng thời gian từ 1/7/2024 - 31/12/2024 để việc sử dụng giấy tờ tùy thân không bị gián đoạn.
Từ ngày 1/7/2024, người dân cần lưu ý gì về điều kiện, thủ tục cấp đổi thẻ căn cước mới?
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, các trường hợp cụ thể phải tiến hành đổi lại thẻ căn cước mới theo Luật Căn cước 2023 là các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước 2023. Căn cứ Điều 21, độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước là công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Cụ thể, đây là những trường hợp thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân hay khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Từ ngày 1/7/2024, trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 của Luật này và cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước 2023. Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính hoặc thay đổi, cải chính thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 mà thông tin đó chưa được cập nhật, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ căn cước phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh những thông tin đã thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý căn cước thu lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đã sử dụng đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước. Việc cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước 2023 được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Ngoài ra, cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.
Về nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước mới, căn cứ Điều 27 Luật Căn cước 2023 quy định là cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú; Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định. Đáng chú ý, trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại các nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước mới nêu trên tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Đối với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, theo Điều 23 Luật Căn cước, người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Để cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Trong đó, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Đối với người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi.
Trong trường hợp từ chối cấp thẻ Căn cước thì cơ quan quản lý Căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Thủ tục đăng ký tạm trú năm 2024 quy định như thế nào, không đăng kí bị phạt bao nhiêu tiền?
-
10 công việc dự báo rất ‘khát nhân lực’, thu nhập có thể tới 2,7 tỉ đồng/năm
-
Người thuộc 3 năm sinh này phải đi đổi CCCD gắn chip ngay, quá hạn bị phạt tiền triệu
-
Đối tượng bắt buộc phải đi đổi, cấp lại Sổ Đỏ trong năm 2024: Cố giữ càng mất thêm tiền
-
Người dân không vi phạm luật giao thông CSGT có được phép dừng xe hay không?