4 món ăn nên ngâm nước đá sau khi nấu

( PHUNUTODAY ) - Sử dụng nước đá để "sốc nhiệt" cho thực phẩm giúp món ăn được ngon hơn.

Ngâm thịt luộc trong nước đá

Với món thịt luộc, sau khi thịt chín, bạn hãy vớt thịt ra và ngâm ngay vào bát nước đá nước đá lạnh. Nước lạnh sẽ giúp bề mặt thịt săn lại, phần bì giòn hơn, thịt chắc hơn. Ngoài ra, miếng thịt săn lại cũng giúp việc thái miếng dễ dàng hơn.

Sau khi ngâm thịt trong nước đá, bạn có thể vớt thịt ra, thấm khô nước rồi dùng màng bọc thực phẩm gói kín lại và để trong ngăn mát tủ lạnh vài tiếng. Làm như vậy, miếng thịt sẽ săn chắc hơn, dễ thái miếng mỏng và thịt không bị vỡ nát.

class="h2">Ngâm thực phẩm đã nấu chín trong nước đá là kỹ thuật "sốc nhiệt" trong nấu ăn. Nó có tác dụng giúp thực phẩm có độ săn chắc hơn, giữ được màu sắc đẹp mắt.

Bạn có thể áp dụng phương pháp sốc nhiệt với thịt lợn luộc, thịt bò luộc và cả thịt gà luộc đều được.

Lòng và dạ dày lợn luộc

Lòng lợn, dạ dày lợn là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Cách chế biến của món này tuy dễ mà khó, nếu làm không đúng thì phần lòng lợn, dạ dày sẽ bị dai, rất khó khăn.

Đối với lòng lợn, khi mua, bạn nên chọn những đoạn lòng cuống bé, căng tròn, dịch bên trong lòng có màu trắng sữa. Những đoạn lòng như vậy sẽ giòn ngon và không bị đắng. Không mua những đoạn lòng mỏng, cuống to, chảy dịch vàng. Lòng mua về cần rửa sạch với muối, chanh để loại bỏ các chất bẩn.

Đặt nồi nước lên bêm gừng, sả đập dập (tùy sở thích) cho thơm. Khi nước sôi, thả lòng lợn vào luộc. Nước sôi trở lại khoảng 1-2 phút thì vớt lòng ra ngâm vào bát nước đá có pha nước cốt chanh cho nguội. Việc "sốc nhiệt" này giúp lòng lợn được giòn hơn. Lặp lại thao tác luộc và ngâm nước đá một lần nữa cho lòng lợn chín mà vẫn giữ được độ giòn.

Đối với dạ dày, bạn nên bóp với bột mì để loại bỏ nhớt sau đó sử dụng chanh, giấm, nước mẻ hoặc nước dưa chua để rửa lại một lần cho hết cặn bẩn và mùi hôi. Đun sôi một nồi nước, cho dạ dày lợn vào chần nhanh rồi vớt ra và xả dưới vòi nước lạnh. Lộn trái miếng dạ dày và dùng dao cạo sạch các chất bẩn. Rửa lại lòng lợn với nước sạch và để ráo.

Khi luộc lòng lợn, bạn cũng sẽ chờ cho nước sôi già mới bỏ nguyên liệu vào nồi. Khi nước sôi trở lại thì vớt dạ dày ra ngâm vào bát nước đá. Lặp lại quá trình này 3-4 lần cho đến khi dạ dày mềm.

Ngoài cách trên, bạn có thể cho dạ dày vào nồi nước và luộc trong 35-45 phút liên tục rồi tắt bếp, đậy vung và om thêm khoảng 15 phút. Sau đó, vớt miếng dạ dày đã luộc chín ra và ngâm vào bát nước đá lạnh (vắt thêm chanh vào bát nước để dạ dày được thơm và trắng hơn).

Khi lòng và dạ dày đã nguội, vớt nguyên liệu ra và thái thành miếng vừa ăn.

Rau luộc

Đối với món rau luộc, áp dụng phương pháp "sốc nhiệt" bằng nước đá sẽ giúp rau giữ được màu xanh đẹp mắt và có độ giòn.

Sau khi luộc chín rau củ, bạn đừng vội vớt thức ăn ra đĩa. Hãy chuẩn bị thêm một bát nước đá. Khi rau chín, hãy vớt rau ra ngâm vào nước này cho rau nguội rồi vớt ra rổ để ráo nước. Sau đó mới xếp rau vào đĩa.

Trứng luộc

Với món trứng luộc, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp "sốc nhiệt" để trứng dễ bóc vỏ hơn.

Lưu ý, nếu trứng để trong tủ lạnh thì cần phải bỏ trứng ra ngoài nhiệt độ phòng trước rồi mới đem luộc.

Đun cho nồi nước sủi tăm rồi nhẹ nhàng thả trứng vào nồi. Dùng muôi khuấy nhẹ theo vòng tròn cho phần lòng đỏ trứng nằm chính giữa. Tùy theo sở thích, bạn có thể điều chỉnh thời gian luộc trứng cho phù hợp. Nếu muốn ăn trứng lòng đảo chảy nhẹ thì luộc 6 phút (tính từ khi nước sôi); muốn ăn trứng chín tới, dẻo mềm thì luộc 7-8 phút; trứng chín thì luộc 10 phút.

Trứng luộc chín cần vớt ra ngay và ngâm vào bát nước đá lạnh. Quá trình sốc nhiệt này sẽ giúp trứng nhanh nguội, phần bên trong trứng se lại và dễ bóc vỏ.

Tác giả: Thanh Huyền