5 điều nhất định phải tránh trong Tết Nguyên đán nếu không muốn "TIỀN MẤT TẬT MANG"

( PHUNUTODAY ) - Tết là dịp để mọi người có cơ hội tụ tập ăn uống, vui chơi nhưng thời gian này nhiều người dễ sa vào những thú vui khiến "tiền mất tật mang".

Đánh bài ăn tiền cho vui

Đánh bài ăn tiền là hành vi phạm phát luật.

Năm hết, Tết đến là dịp người thân bạn bè gặp gỡ, vui chơi cùng nhau. Bên cạnh những hoạt động vui chơi lành mạnh nhiều người tụ tập cùng người thân, bạn bè đánh tá lả, tú lơ khơ, đánh bài tam cúc ăn tiền…

Dù mục đích chính của người chơi là vui vẻ, không mang tính sát phạt, mỗi ván bài người thắng có thể chỉ được 10-15 nghìn đồng nhưng đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Theo các quy định hiện hành, người phạm tội đánh bạc có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Nếu hành vi đánh bạc trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ. Theo đó, người đánh bạc có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Uống rượu, bia rồi lái xe

Ảnh minh họa.

Người điều khiển xe ôtô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Đối với xe máy hoặc xe môtô, mức độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở.

Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Đối với trường hợp khi lái ô tô, mức phạt có thể lên đến 15 triệu và có thể bị tước bằng lái đến 2 tháng. Đối với trường hợp lái xe máy uống rượu có thể lên đến 3 triệu và có thể bị tước bằng lái đến 2 tháng.

Nếu uống bia rượu gây tai nạn mang lại hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 BLHS 1999 với mức hình phạt cao nhất lên đến mười lăm năm.

Xóc đĩa “bịp”

Ảnh minh họa.

Xóc đĩa là trò chơi có từ lâu đời, khá phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt là vào dịp Lễ, Tết. Tuy nhiên, ngày nay xóc đĩa được một số con bạc sử dụng để sát phạt nhau. Một số đối tượng còn lợi trò chơi này để lừa đảo lấy tiền người chơi.

Năm 2013, Công an Hà Nội từng phát hiện nhóm đối tượng mua chíp điện tử gắn vào bát sứ rồi kết nối với điện thoại di động tạo thành bộ đồ nghề chơi xóc đĩa "bịp".

Chúng rủ những người có kinh tế khá giả tham gia sát phạt đỏ đen. Qua màn hình điện thoại chúng biết kết quả của việc xóc đĩa nên khiến con bạc thua “cháy” túi sau mỗi lần sát phạt. Ai không có tiền trả, chúng ép viết giấy vay nợ thế chấp bằng sổ đỏ hoặc ôtô, xe máy.

Đá gà ăn tiền

Một số đối tượng lại lợi dụng trò chơi dân gian để cá cược ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật. (Ảnh minh họa).

Chọi gà không chỉ là một trò chơi dân gian trong ngày hội, mà còn là một thú vui chơi thông thường của nhiều người ở đô thị cũng như nông thôn. Chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng trong các hội làng.

Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng trò chơi dân gian để cá cược ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật. Luật sư Tuấn Anh cho biết, hành vi trên có thể cấu thành tội đánh bạc, người tham gia đá gà ăn tiền có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

Đốt pháo đón Tết

Ảnh minh họa.

Trước đây, mỗi khi Tết đến, tiếng pháo lại vang khắp mọi vùng miền. Tuy nhiên, pháo lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Không ít người hiện vẫn quan niệm, Tết phải có tiếng pháo mới vui vì vậy đã tìm mua pháo để đốt vào thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, đây là hành động phạm pháp.

Luật pháp hiện hành đã quy định rõ về việc cấm tàng trữ và đốt pháo, đặc biệt trong dịp lễ tết, nhưng người dân vẫn còn vi phạm. Một số người còn chủ quan cho rằng chỉ đốt một ít pháo cho “xôm tụ” thì không bị phạt và cũng không gây hậu quả gì.

Thực tế đã có một số vụ gây thương tích, cháy nổ xảy ra mà nguyên nhân do đốt pháo.

Điều 4 nghị định 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ và pháo hoa, thuốc pháo. Ngay cả việc sử dụng vật liệu nổ để gây tiếng nổ thay pháo cũng bị nghiêm cấm.

Theo đó, hành vi sử dụng pháo có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền 1-2 triệu đồng và tịch thu tang vật. Còn đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo và thuốc pháo có thể bị phạt 4-8 triệu đồng, tịch thu tang vật.

Trong trường hợp đốt pháo ở nơi công cộng, đông người hoặc đốt pháo ném vào người khác... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Điều 245 BLHS quy định phạt tiền 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy mức độ và tình huống vi phạm. Nếu người đốt pháo rủ rê trẻ em hoặc nhiều người tham gia, hoặc đã bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng thì bị phạt tù 2-7 năm.

Các chuyên gia pháp lý cho biết người nào đốt pháo mà gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác, người đốt pháo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về các hành vi như giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...

Còn với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ, tùy số lượng pháo có thể chịu hình phạt cao nhất là chung thân.

Tác giả: Vũ Thêm