5 sai lầm tài chính khiến bạn lúc nào cũng không có tiền

( PHUNUTODAY ) - Có rất nhiều người thường xuyên tự hỏi “Tại sao mình làm việc quần quật chẳng kém ai mà không mấy dư dả, thậm chí còn phải thường xuyên vay mượn để sống tạm qua ngày?”.

Dưới đây là 5 sai lầm tài chính khiến họ luôn không có tiền:

1. Không dự trù ngân sách chi tiêu hàng tháng

Khi không lên kế hoạch cho ngân sách chi tiêu, chúng ta rất dễ mắc phải sai lầm phổ biến về tiền bạc: Sống vượt khả năng của mình.

Việc cố gắng chạy đua cho nhu cầu chi tiêu nhiều hơn việc kiếm được sẽ khiến bạn thường xuyên gặp rắc rối về tiền bạc, nợ nần, thậm chí là sụp đổ tài chính.

Muốn có một cuộc sống tốt, dư dả hãy luôn đảm bảo rằng bạn có ngân sách hàng tháng và bám sát ngân sách đó để biển đồng tiền của mình đang chảy về đâu, từ đó có những điều chỉnh khi cần.

“Tại sao mình làm việc quần quật chẳng kém ai mà không mấy dư dả, thậm chí còn phải thường xuyên vay mượn để sống tạm qua ngày?”. (Ảnh minh họa)

2. Ngó lơ việc kiếm tiền khi rảnh rỗi

Đa phần chúng ta đều hài lòng với việc chỉ có một công việc và một nguồn thu nhập duy nhất. Bởi lẽ rất nhiều người cho rằng việc đi làm thôi cũng đã đủ mệt mỏi rồi, thời gian rảnh nên dành cho bản thân nghỉ ngơi, vui chơi, giải tỏa stress.

Tuy nhiên, việc tìm cách kiếm tiền trong khoảng thời gian rảnh rỗi là điều rất quan trọng, không chỉ giúp tài khoản ngân hàng của bạn tăng thêm một khoản mà nó còn giúp bạn mở mang thêm nhiều kỹ năng, có thêm trải nghiệm để nâng cao triển vọng nghề nghiệp sau này.

3. Không thương lượng mức lương

Nhiều người khi bắt đầu một công việc mới thường dễ dàng thỏa hiệp với mức lương được công ty đưa ra. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm phổ biến trong việc quản lý tài chính cá nhân.

Thương lượng mức lương trước khi vào công ty làm việc là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ công ty sẽ không thể nào thấu hiểu các nhu cầu chi tiêu của bạn.

Việc chủ động đưa ra con số mong muốn sẽ giúp phần đảm bảo bạn có đủ tiền để trang trải các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.

Mặc khác, nếu bạn bắt đầu với một mức lương thấp nghĩa là bạn đang đnahs giá thấp công việc của mình và khuyến khích sếp mới của bạn làm điều tương tự với những ứng viên khác.

4. Cho bạn bè vay mượn dù không dư dả tài chính

Bởi vì tính cả nể, không biết từ chối mà một số người dù tài chính đang eo hẹp, bản thân đang đau đầu vì nợ nần vẫn cố gắng xoay sở cho bạn bè vay mượn.

Đó là một sai lầm mà dù nhận thức được nhưng nhiều người vẫn mắc phải. Việc cho người khác vay mượn trong khi bản thân còn khó khăn là điều không nên. Bởi nó sẽ khiến bạn càng thêm túng thiếu, phải cắt giảm nhiều nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Ngoài ra, điều đó sẽ khiến mỗi khi bạn thấy người đó chi tiêu thứ gì, bạn sẽ dễ chăm chăm nghĩ về bao giờ số tiền đó sẽ được trả lại cho mình và dẫn đến mâu thuẫn làm rạn nứt mối quan hệ. Thế nên, nếu bạn vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống, hãy giữ chặt ví của mình.

5. Đặt mục tiêu tài chính không thực tế

Không có mục tiêu tài chính cũng giống như việc bạn lên một con tàu mà không biết đích đến của nó là đầu. Khi đó, bạn sẽ bị mất phương hướng và khó để kiểm soát, tích lũy tiền bạc.

Tuy nhiên, không phải mục tiêu tài chính nào cũng tốt. Bạn phải có mục tiêu tài chính thực tế, kỹ càng với lộ trình chi tiết thì mới có thể hoàn thành nó được.

Nếu không có lộ trình thực tế, tất cả những mục tiêu kia đều trở nên xa vời, khó thực hiện. Thậm chí, nó còn khiến bạn lãng phí thời gian, dễ nản lòng trong việc kiếm thêm thu nhập, tích lũy tài sản cho bản thân.

Tác giả: Dương Ngọc