5 sự thật bất ngờ mới được phát hiện trên sao Hỏa

( PHUNUTODAY ) - NASA đã đưa nhiều tàu thăm dò làm nhiệm vụ khám phá sao Hỏa với kỳ vọng sẽ đưa con người lên hành tinh này vào năm 2030.

Sự tồn tại của hồ và châu thổ trên sao Hỏa

Từ năm 2013 các nhà khoa học đã có bằng chứng cho việc nước từng chảy trên sao Hỏa. Tàu thăm dò Curiosity của NASA đã tìm thấy những viên đá cuội tròn và mịn trên bề mặt hành tinh đỏ, giống như những viên đá được tìm thấy trong những dòng sông trên Trái Đất.

Cách đây không lâu, tàu thăm dò này cũng phát hiện miệng hố Jezero từng ngập nước và từng là nơi tồn tại của một vùng châu thổ xa xưa.

Qua hình ảnh nhận được từ tàu thăm dò, NASA cho hay "những dốc dựng đứng bên trong vùng châu thổ này, được hình thành từ trầm tích như cát, sạn bùn tích tụ qua thời gian tại cửa sông, giúp hình thành miệng hố cách đây một thời gian dài". Họ cho rằng đây là một quan sát quan trọng giúp xác nhận sự hiện diện của hồ nước và châu thổ ở Jezero.

Động đất trên sao Hỏa

Nhờ tàu thăm dò Insight của NASA, vào tháng 7/2021, các nhà khoa học đã phát hiện ra những thông tin chi tiết về cấu tạo của sao Hỏa.

Địa chấn kế được trang bị cho tàu thăm dò đã ghi nhận những rung chấn đầu tiên trên sao Hỏa. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng lớp vỏ của sao Hỏa có thể dày từ 19-39km.

Các nhà khoa học hiện cho rằng lõi sao Hỏa nóng chảy nhưng vẫn chưa khẳng định liệu phần lõi bên trong của sao Hỏa có ở thể rắn như Trái Đất hay không.

Phun trào siêu núi lửa

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng của hàng nghìn vụ “siêu phun trào”.

Họ đã nghiên cứu địa hình và thành phần khoáng chất của một phần trên khu vực Arabia Terra ở bán cầu phía bắc của sao Hỏa và vẽ ra một bức tranh sống động như sau: “Hơi nước, carbon dioxide và sulfur dioxide phun trào vào không khí, những vụ nổ như vậy đã xé toạc bề mặt sao Hỏa trong 500 triệu năm cách đây 4 tỷ năm”.

Sự tồn tại của nước ngầm

Các mẫu đá trên sao Hỏa đã cung cấp các bằng chứng về nước ngầm – một dấu hiệu tiềm năng cho sự tồn tại của các vi sinh vật.

"Những mẫu đá đầu tiên như thể tiết lộ về một môi trường ổn định có tiềm năng cho sự sống. Việc phát hiện ra nước từng tồn tại ở đây trong thời gian dài có ý nghĩa quan trọng", nhà khoa học Ken Farley đánh giá.

Bão cát làm khô cạn sao Hỏa

Những cơn bão cát "đóng vai trò lớn trong việc làm khô cạn" sao Hỏa, NASA cho biết vào tháng 8/2021.

Theo các nhà khoa học thì cách đây hàng tỷ năm, sao Hỏa từng tồn tại nhiều nước hơn nhiều so với hiện nay, song vẫn chưa chắc chắn về lý do lượng nước này đã biến mất.

Tuy nhiên, sử dụng 3 tàu thăm dò, các nhà khoa học đã phát hiện ra một lý do: Đó là những cơn bão đã làm ấm vùng cao của khối khí lạnh. Khi lên tới những khu vực cao hơn của sao Hỏa, nơi bầu khí quyển mỏng hơn, các phân tử nước trở nên dễ tổn thương trước bức xạ cực tím, vốn phá vỡ chúng thành các thành phần nhẹ hơn là hydro và oxy".

Tác giả: Trần Thu Thủy