7 sắc thái chè miền Tây thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi

( PHUNUTODAY ) - Nếu đến miền Tây mà bạn không thưởng thức những món chè này thì thật tiếc. Chúng không chỉ ngon mắt mà còn rất ngon miệng nữa. Đảm bảo ăn một lần là nhớ mãi.

Chè thưng (chè bà ba)

Đây là món chè nổi tiếng số 1 của miền Tây mà bạn nên thưởng thức ít nhất 1 lần trong đời. Chè được nấu từ những nguyên liệu thân quen như khoai, chuối, hạt sen, nước cốt dừa,… Chè có vị ngọt nhẹ của chuối, vị bùi của hạt sen, vị béo của nước cốt dừa, cái dẻo dẻo của khoai… Tất cả hòa quyện tạo nên một chén chè đặc trưng khó nhầm lẫn.

Đây là món ăn thanh lọc cơ thể, giải nhiệt rất tốt vào mùa hè. Chè được nấu từ nguyên liệu vườn nhà cũng rất tốt cho sức khỏe.

Chè khoai mì

Đây là món chè quen thuộc của nhiều người dân miền Tây. Khoai được mài nhuyễn kết hợp với nước cốt dừa vo thành từng viên tròn nhỏ. Chè được nấu cùng nước đường sền sệt. Khi ăn chè bạn sẽ cảm nhận được sự dai, dẻo cùng bị béo ngậy của nước cốt dừa.

Chè bưởi An Giang

Món chè bưởi chính gốc An Giang luôn có hương vị đặc trưng riêng. Chè được nấu từ cùi bưởi, đậu xanh, đường, bột năng, nước cốt dừa, hương vani, muối giúp thanh mát cơ thể rất tuyệt vời. Cùi bưởi sau khi được làm sạch sẽ được ngâm với nước nhiều lần để loại bỏ hết phần đắng. Vì cùi bưởi là phần quan trọng nhất nên được  sơ chế kỹ càng.

Món chè bưởi An Giang có vị ngọt thanh, giòn giòn của cùi bưởi, bùi bùi của đậu xanh ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy mặn mặn ngọt ngọt. Cho thêm đá thì ăn mát mà không bị ngán.

Chè khoai môn lá dứa

Món chè khoai môn lá dứa thường được ăn vào những ngày hè nóng bức. Chè được làm từ các nguyên liệu như khoai môn, khoai lang, sắn và đậu xanh.

Chè sương sa hạt lựu

Món chè này được làm từ nguyên liệu chính là củ năng với màu sắc bắt mắt. Hương thơm của nồi chè với độ béo từ nước cốt dừa, giòn giòn của củ năng, bùi bùi của đậu xanh, vị dai dai của sương sa sẽ khiến bạn khó mà kìm lòng.

Chè thập cẩm

Chè thập cẩm thì ở đâu cũng có nhưng về miền Tây ăn cốc chè thập cẩm bạn sẽ thấy hương vị khác hẳn những vùng miền khác. Chè thập cẩm ở đây được nấu từ các loại đậu, kết hợp với phổ tai, dừa khô và thêm một ít vani. Từng loại đậu được nấu mềm cùng nước đường đã giúp tạo nên vị ngọt nhẹ.

Khi ăn chè thập cẩm, người miền Tây thường kết hợp với cốt dừa, đậu phộng và đá. Một số nơi cho thêm sương sa, hạt lựu,… giúp món chè thêm hấp dẫn hơn.

Chè chuối bột báng

Món chè được chế biến từ chuối vừa chín tới kết hợp với bột báng dai dai, tròn tròn ăn rất lạ miệng. Khi ăn thì bỏ thêm vào một ít nước cốt dừa được nêm mặn mặn ngọt ngọt, thêm vào một ít đá làm cho chén chè thêm hương vị và độ tươi mát vào mùa hè. Chè có thể ăn lạnh hoặc ăn khi còn nóng, ăn kiểu nào thì cũng không làm mất được vị ngọt béo thơm lựng của món chè này.

Tác giả: Trần Thu Thủy