8 bộ phận xe máy PHẢI thay định kỳ, cẩn thận đang đi long bánh, đứt phanh cháy nổ giữa đường

( PHUNUTODAY ) - Tết đến xuân về rất gần rồi, chị em đầu tư tiền làm đẹp cho bản thân cũng đưng quên chăm sóc ‘con ngựa sắt’ cùng mình đi hàng ngày nhé! Đặc biệt việc đi lại dịp giáp Tết rất dễ xảy ra tai nạn nên càng phải cảnh giác!

1. Thay dầu máy (nhớt máy): khoảng 1.000 – 1.500 km/lần

Dầu nhớt được ví như “máu” của cơ thể vậy, sau một thời gian dài sử dụng, chúng sẽ hao mòn đen kít, khô lại do lẫn tạp chất, hết sạch khả năng bôi trơn khiến xe khó đi, kêu to và có thể chết máy giữa đường. Hơn nữa, với khí hậu nóng bức, bụi bẩn và đường đông nên dầu máy sẽ tiêu tốn nhiều hơn. Do vậy, cứ đi được từ 1.000 – 1.500 km thì phải thay dầu nhớt. Ngoài ra, nên thay ngay khi xe bị ngập nước mưa.

2. Thay dầu phanh và má phanh: khoảng 15.000 – 20.000 km/lần

Má phanh cũng là một bộ phận quan trọng giúp chuyển động năng thành nhiệt năng, giúp xe giảm tốc độ và thường bị mòn theo thời gian. Vì thế, nếu để đi quá lâu ngày, rất dễ xảy ra trường hợp vênh đĩa phanh mà khi thay mới rất tốn kém.

Dầu phanh đi lâu ngày cũng sẽ tăng nhiệt độ mà bốc hơi qua khẽ hở, nhiễm tạp chất và trở nên cặn bẩn khiến xảy ra hiện tượng mất phanh, phanh không trơn tru. Nếu trên đường gặp phải va chạm cần phanh gấp thì phanh sẽ không ăn, không trơn mà gây ra tai nạn.

Tốt hơn hết, hãy để ý hiệu quả của phanh, nếu bóp không mượt mà lại có tiếng kêu lạ thì phải đem đi kiểm tra ngay lập tức.

3. Bugi: khoảng 10.000 km/lần

Bugi là bộ phận đánh lửa giúp đốt cháy nhiên liệu và sinh công suất cho xe. Nếu bugi hoạt động quá lâu ngày không được bảo dưỡng, cộng thêm việc bị ướt do mưa… thì sẽ hoạt động yếu đi, gây chết máy. Thực tế thì bugi khá bền nhưng nên kiểm tra và thay thế để xe được hoạt động ổn định, hiệu quả như mới.

4. Dầu láp: khoảng 6.000 – 8.000 km/lần

Dầu láp cũng như dầu nhớt, nó có thể bị hao mòn và bị bẩn cặn theo thời gian. Đồng thời, nó khiến bánh răng xe khô, rơ, giảm hiệu quả dẫn tới tình trạng vỡ láp, xe không hoạt động được. Người dùng nên yêu cầu kiểm tra, thay dầu láp, đặc biệt là khi xe bị ngập nước để đảm bảo điều kiện hoạt động của bộ phận này.

5. Lọc gió: khoảng 10.000 km/lần

Bộ phận này có nhiệm vụ lọc không khí, mang luồng khí sạch trộn cùng nhiên liệu trước khi được đốt cháy. Vì thế, khi không thay mới, vệ sinh nó thường xuyên thì xe sẽ chạy rất yếu, nhanh xuống cấp.

Tuy nhiên, hầu hết các loại xe ga dùng lọc gió tẩm dầu nên không thể vệ sinh mà chỉ thay mới được. Mọi người nên kiểm tra lọc gió sau 10.000 để xem tình trạng và nghe hướng dẫn của nhân viên xem có nhất thiết phải thay mới không.

6. Dây cu – roa: khoảng 10.000 km/lần

Dây cu – roa là bộ phận chịu lực căng, ở trong môi trường nhiệt độ cao, nhiều bụi bẩn nên sẽ hao mòn dần theo thời gian. Khi này, xe sẽ phát ra những tiếng kêu lạ, xe ì ạch, nóng máy dẫn tới khó điều khiển, đề máy. Hãy tới ngay trung tâm bảo hành để thay thế khi nó có dấu hiệu nứt đứt.

7. Nước làm mát: khoảng 10.000 km/lần

Các loại xe tay ga hiện nay đều sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng và dụng dịch này khá là quan trọng. Nếu nó bị hao hụt thì xe ga sẽ nóng máy nhanh, chạy ì, nặng và dễ chết máy. Do đó, nước mát nên được kiểm tra định kì, đặc biệt sau những chuyến đi dài, đèo dốc hay chở quá tải.

8. Bảo dưỡng định kỳ: 20.000 km/lần

Ngoài những bộ phận quan trọng trên thì có một số chi tiết khác cũng nên kiểm tra thường xuyên như bình ắc – quy, giảm sóc, két nước… Nếu thấy xe máy có dấu hiệu bất thường thì nên tổng kiểm tra, bảo dưỡng tại các trung tâm xe máy 1 năm 2 lần.

Những điều cần chú ý khi đi phượt bằng xe máy trong dịp Tết

- Không nên chạy xe khi mệt, buồn ngủ. Khi buồn ngủ, bạn hãy dừng lại và chợp mắt khoảng 15 phút. Rất nhiều tai nạn xảy ra khi lái xe trong tình trạng buồn ngủ và/hoặc mệt mỏi.

- Bạn không nên ăn quá no trước và trong khi chạy xe. Ăn no quá sẽ khiến bạn mệt mỏi và uể oải, do dạ dày phải làm việc nhiều để tiêu hóa thức ăn.

- Chúng ta tuyệt đối không uống rượu bia trước khi chạy xe. Ngoài làm ảnh hưởng đến phản xạ lái xe, rượu bia làm giãn mạch máu, khi chạy xe gặp gió dễ dẫn đến "trúng gió", cảm.

- Không sử dụng pô nổ, pô chế gây ồn ào, gây khó chịu cho mọi người.

- Không đi đoàn đông quá 10 xe, không đi hàng 2 hàng 3.

- Không nên đi xe ga đường đèo dốc. Xe ga không dùng hộp số để "hãm" máy khi xuống dốc, phải bóp phanh liên tục đến "cháy" phanh.

- Không tắt máy thả trôi "tiết kiệm xăng" khi xuống đèo dốc dài.

- Không nên dừng, đỗ xe ở những góc cua , khuất tầm nhìn.

Tác giả: Mộc