Khóc dạ đề là gì?
Trong quá trình chăm con nhỏ, có nhiều vấn đề khiến các mẹ lo lắng, sốt ruột. Một trong số đó là hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này gặp nhiều nhất ở các bé trong độ tuổi từ 3 tuần đến 3 tháng. Thời điểm chủ yếu là buổi chiều, tối hoặc đêm. Biểu hiện của khóc dạ đề là trẻ cứ ngằn ngặt khóc, kéo dài tận 3 giờ, dỗ cách nào cũng chẳng chịu nín. Cho đến nay, ngay cả giới chuyên môn cũng chưa thể xác định chính xác nguyên nhân khiến một đứa trẻ có những dấu hiệu khóc quấy vào một khung giờ nhất định. Nhưng họ cũng xác nhận không phải do những bất thường trong thời gian mang thai hoặc đặc điểm di truyền. Thế nhưng, có những yếu tố được đưa ra lý giải khá thuyết phục về hiện tượng này và một trong số đó là dị ứng với sữa mẹ.
Thực tế, trẻ sơ sinh không bị dị ứng sữa mẹ mà do trong sữa mẹ có thành phần gây khó chịu đối với hệ tiêu hóa vẫn còn kém của bé. 6 tháng đầu đời của mỗi đứa trẻ, sữa mẹ là nguồn thức ăn chính và không thể thay thế. Trong sữa mẹ có nhiều kháng thể và dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu phát triển của các bé. Những gì mẹ ăn vào được chuyển hóa thành dinh dưỡng có trong sữa. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bà mẹ trong thời gian cho con bú cần bổ sung đủ dưỡng chất, đa dạng các nguồn thực phẩm. Chính vì vậy, chất lượng sữa mẹ không đảm bảo thực sự tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa mẹ là do không thể dung nạp protein có trong sữa mẹ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (nguyên phó giám đốc viện nhi TƯ), trong thời gian cho con bú, người mẹ ăn bất kỳ thực phẩm nào, dù chỉ gây dị ứng cho mẹ nhưng cũng có thể đi qua sữa và gây dị ứng cho trẻ. Đồng thời, một khi trẻ bị dị ứng thực phẩm nào đó mặc dù người mẹ không phản ứng nhưng thông qua nguồn sữa mẹ, trẻ bú vào vẫn có thể bị dị ứng.
Chính vì lý do đó, trong thời gian cho con bú, để đảm bảo cho trẻ sơ sinh không bị dị ứng cũng như hạn chế tình trạng khóc dạ đề, gây mệt mỏi triền miên cho chính mẹ thì bản thân mẹ không nên ăn những thực phẩm mà cả mẹ và bé đều có khả năng bị dị ứng. Sữa bò, đậu phộng, trứng, các loại hạt, thực phẩm biển là những thực phẩm mẹ cần kiêng trong thời gian cho con bú vì chúng có thành phần protein lạ, có thể gây dị ứng cho trẻ sơ sinh.
Dưới đây là danh sách những thực phẩm có trong bữa ăn của mẹ chính là “thủ phạm” có khả năng khiến bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc liên tục:
– Sữa bò: Hàm lượng protein cao trong sữa bò có thể truyền qua sữa mẹ, gây dị ứng cho bé, khiến bé cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, nếu có dị ứng với sữa bò, trẻ cũng có thể bị dị ứng với sữa dê, sữa cừu hoặc các chế phẩm từ sữa.
– Thực phẩm có cafein: Trẻ sơ sinh dễ nhạy cảm với cafein thường có trong các thực phẩm như socola, nước ngọt, trà,… Vì vậy, mẹ cũng không nên ăn các thực phẩm này trong thời gian cho con bú.
– Trứng: Sở dĩ trẻ dễ bị dị ứng với trứng vì thành phần protein tồn tại nhiều trong lòng trắng trứng có khả năng rất cao sẽ xuất hiện trong sữa mẹ.
– Ngũ cốc: Lúa mì, đậu nành, đậu phộng,… là danh sách các loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ. Do đó, mẹ cũng cần tránh ăn những thực phẩm này. Trong lúa mì hoặc các loại ngũ cốc khác có chứa một chất gọi là gluten. Đây là một dạng protein, chúng xuất hiện trong sữa mẹ và có thể khiến trẻ khó tiêu hóa.
– Thực phẩm biển: Một số loại cá như cá ngừ, cá hồi,cá bơn, tôm, cua, sò, ốc, mực,… là những thực phẩm biển rất dễ gây dị ứng cho trẻ. Thế nên, mẹ cũng cần xem xét trong quá trình cho con bú.
– Thức ăn nhiều gia vị: Một số thức ăn chứa nhiều gia vị như mùi hôi của tỏi có thể khiến sữa mẹ mang vị lạ. Khi trẻ bú vào, bé có thể bị khó chịu thậm chí là bỏ bú, chê ti mẹ.
– Thức ăn dễ gây đầy hơi: Một số thực phẩm như hành tây, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải,… tuy giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng nhưng khiến trẻ bị khó chịu. Để bù đắp lượng chất xơ cần thiết mẹ có thể tìm thay thế bằng nhiều loại ra thân thiện khác như cải bó xôi, rau ngót, rau dền…
Nguyên nhân khác gây cho trẻ khóc dạ đề:
– Hệ tiêu hóa kém: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vốn chưa hoàn thiện, vì vậy, nó là nguyên nhân làm cản trở lớn trong việc tiêu hóa tức ăn. Thức ăn có thể đi qua ruột mà vẫn chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Điều này khiến các bé dễ bị đầy hơi, đau bụng và khiến các bé dễ khóc.
– Trào ngược dạ dày: Trào ngược (ợ hơi) là tình trạng thường gặp sau khi các bé bú sữa mẹ, nguyên nhân có thể là do hoạt động của thực quản chưa hiệu quả.
– Mẹ hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá của mẹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trẻ sơ sinh khóc dạ đề. Dù là hút trực tiếp hay hít khói thuốc thụ động cũng là tác nhân khiến trẻ khóc dạ đề.
– Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh: Khi tiếp nhận quá nhiều âm thanh hoặc ánh sáng bên ngoài, trẻ có thể khóc liên tục vì cảm thấy rất khó chịu.
Một số bài thuốc dân gian chữa khóc dạ đề:
Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi. Da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng “ôn trung kiện tỳ” (làm ấm, tăng cường tiêu hóa).
Gừng tươi 5 g, đường đỏ 15 g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.
Hành 5-10 củ, để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn, gạo tẻ 25 g, gừng tươi 3 lát. Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được. Chia ra cho trẻ ăn trong ngày.
Bạch truật (sao vàng) 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm)
Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần làm mát tạng Tâm và giải nhiệt.
Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15 g, sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt. Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.
Lá tre 5 g, gạo tẻ 25 g. Cách chế và sử dụng: Sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.
Dạng lo sợ bất an (khóc đêm do sợ hãi)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.
Hạt sen khoảng 20 hạt, để cả tâm, sắc lấy nước, chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.
Xác ve sầu (Đông y gọi là “thiền thoái”, “thiền y”) 3-5 g, bỏ đầu và chân, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần. Tối đến, lấy mươi ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3 g bột xác ve sầu vào, cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.
Tác giả: