Không chịu nghỉ hưu sớm như những đồng nghiệp khác của mình, ông Murray Grossan, 94 tuổi, vẫn làm việc với cương vị bác sĩ tai mũi họng tại viện Grossan (Los Angeles, California). Hầu như ngày nào ông cũng tiếp xúc với những người bị ốm cùng các loại vi khuẩn khác nhau, nhưng Grossan vẫn không hề bị cảm cúm trong hơn 10 năm trở lại đây.
Bác sĩ Murray Grossan cho biết: "Tôi nghĩ một phần do bản thân thường xuyên tiếp xúc với các loại bệnh dịch và virus trong thời gian dài, cho nên cơ thể tôi đã hình thành được sự miễn dịch với các loại bệnh này, nhiều bác sĩ cũng như vậy”. Tuy nhiên, ông còn tiết lộ một việc ông làm hằng ngày để “miễn nhiễm” với cảm cúm: ăn sữa chua.
“Những khuẩn sống trong sữa chua có tác động tốt đến vi khuẩn trong đường ruột. Quá trình này sản sinh ra nhiều loại vitamin, bao gồm B6, B12 và K2,… chúng sẽ giúp chống các vi khuẩn có hại cho cơ thể, ví dụ như E. coli hoặc dịch tả. Ngoài ra, sữa chua còn có lợi cho quá trình tiêu hóa nữa”, Steve Bowers, người phỏng vấn bác sĩ Grossan cho cuốn sách “Secrets of the World’s Healthiest People” của ông, giải thích.
Ăn sữa chua có lợi gì?
Ngoài việc giúp tăng sức đề kháng, ăn sữa chua thường xuyên sẽ giúp chúng ta giảm cân. Theo nghiên cứu của International Journal of Obesity, một người ăn hơn 3 hũ sữa chua mỗi tuần sẽ ít tăng cân hơn những người chỉ ăn 1 hũ mỗi tuần. Quản lí cân nặng tốt sẽ giúp chúng ta phòng ngừa các bệnh về già, ví dụ như béo phì, bệnh tim và một số loại ung thư.
Không những thế, sữa chua còn giúp bảo vệ não bộ của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên 3 nhóm phụ nữ khác nhau: Nhóm đầu tiên ăn sữa chua có chứa lợi khuẩn 2 lần/ngày, nhóm thứ hai ăn sữa chua chưa lên men 2 lần/ngày và nhóm thứ 3 không ăn sữa chua. Sau 4 tuần, nhóm đầu tiên đã đạt được kết quả tốt nhất trong bài kiểm tra khả năng xử lý cảm xúc và giác quan của não bộ.
Nên ăn loại sữa chua nào?
Có rất nhiều loại sữa chua đang bày bán trên thị trường. Ông Bowers khuyên mọi người nên chọn loại sữa chua có chứa lợi khuẩn sống. Nếu đó là loại sữa chua không cần bảo quản lạnh, khả năng cao nó không chứa lợi khuẩn sống vì chúng cần nhiệt độ thấp để có thể tồn tại. Những vi khuẩn có lợi nhất bao gồm lactobacillus (L. acidophilus) và bifidobacterium (B. bifidum).
Tuy nhiên, hãy cẩn thận với những loại sữa chua chứa nhiều đường vì có khi chúng chứa hàm lượng đường và chất béo tương đương với một chiếc kem ốc quế. Để xác định loại sữa chua đạt tiêu chuẩn, chúng ta có thể dựa vào các tiêu chí sau:
Tối đa 200 calories
Không hơn 4 gram chất béo
Ít hơn 30 gram đường
Hơn 6 gram protein
Chứa ít nhất 15 micrograms (hoặc 600 đơn vị) canxi
Những tác dụng khác của sữa chua
Giảm viêm
Các vi khuẩn lactobacillus trong các loại sữa chua có thể giúp làm giảm tình trạng viêm xảy ra khắp cơ thể, đặc biệt là ở những người bị viêm khớp. Các vi khuẩn lành mạnh cũng có thể làm giảm và ngăn chặn tình trạng viêm trong ruột, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và bàng quang.
Mặc dù sữa chua có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn bao nhiêu sữa chua cũng được. Ăn quá nhiều sữa chua mà không cần chú ý đến sức khỏe của mình thì có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Làm dịu hệ thống tiêu hóa
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt giúp làm dịu hệ tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột... nên từ lâu đã được xem là một trong những thực phẩm hàng đầu rất có lợi cho hệ tiêu hóa.
Đặc biệt, thời điểm để sữa chua phát huy tác dụng tốt nhất cho hệ tiêu hóa là vào buổi sáng để giúp loại bỏ độc tố cũng như các vi khuẩn có hại, gây bệnh trong đường ruột. Tuy nhiên, bạn nhớ nên ăn sữa chua sau khi đã ăn sáng rồi để tránh tình trạng các men trong sữa chua gây hại cho dạ dày.
Giảm huyết áp
Những người có xu hướng ăn mặn và tiêu thụ nhiều muối thường gặp các vấn đề về huyết áp và thận. Trong khi đó, lượng kali trong sữa chua có khả năng giúp loại bỏ natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, nếu bạn ăn sữa chua thường xuyên sẽ giúp hạn chế các bệnh về huyết áp, thận cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Giúp phục hồi cơ thể nhanh hơn
Sau khi tập thể dục xong thì sữa chua là một trong những loại thực phẩm lý tưởng mà bạn nên bổ sung. Sữa chua giúp cung cấp một lượng lớn axit amin cũng như tăng mức năng lượng, từ đó cơ thể được phục hồi nhanh chóng. Do đó, sau những bài tập luyện vất vả thì thói quen tiêu thụ sữa chua sẽ giúp cơ thể hạn chế căng thẳng và giảm mệt mỏi tức thì.
Giúp giảm cân hiệu quả
Lượng cortisol trong cơ thể tăng cao sẽ khiến mỡ tích tụ nhiều, nhất là vùng quanh eo nên không chỉ khiến bạn tăng cân nhanh chóng mà còn có vòng eo "bánh mì" kém đẹp mắt. Trong khi đó nếu bạn nạp sữa chua thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm căng thẳng, từ đó hàm lượng cortisol giảm sản sinh nên cũng góp phần giúp quá trình giảm cân của bạn dễ dàng hơn
Tăng cường sức khỏe xương
Một hũ sữa chua chứa đến 275mg canxi nên đây cũng là loại thực phẩm cần bổ sung để duy trì sức khỏe xương tốt hơn. Sữa chua không chỉ giúp xương khỏe mạnh mà còn tăng cường mật độ xương nên cũng ngăn ngừa loãng xương hiệu quả.
Một số tác hại từ việc ăn quá nhiều sữa chua có thể bao gồm:
- Gây khó tiêu: Sữa chua có chứa đường lactose, một loại protein khó tiêu. Với những người không dung nạp lactose hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa nêu ăn quá nhiều sữa chua mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, chuột rút hoặc tiêu chảy... Do vậy, để tránh hiện tượng này, bạn nên biết rõ hiện tại cơ thể mình có khỏe mạnh không, có gặp vấn đề về tiêu hóa không... để có lựa chọn loại sữa chua thích hợp (sữa chua làm từ sữa dê, sữa bò hoặc sữa đậu nành...).
- Gây béo phì: Mặc dù sữa chua có tác dụng duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nhưng đó là trong trường hợp bạn ăn uống vừa phải để kích thích tiêu hóa. Trong trường hợp ăn quá nhiều sữa chua thì lại có thể gây ra béo phì bởi trong thành phần của sữa chua có chứa đường, nếu lạm dụng quá nhiều sữa chua trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ khiến lượng đường trong cơ thể tăng quá mức cần thiết.
Vì vậy, khi lựa chọn sữa chua, bạn nên chú ý tránh chọn loại có hàm lượng chất béo rất cao vì chúng có thể là nguyên nhân gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác như tiểu đường, bệnh tim, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm...
- Dị ứng: Không phải ai cũng có thể uống được sữa. Vậy nên, nếu bạn là người bị dị ứng với sữa hoặc không hấp thụ được các chất có trong sữa thì tốt nhất nên tránh tiêu thụ sữa chua vì nó có thể gây ra tình trạng khó thở, phát ban, nôn mửa…, thậm chí là tử vong. Những người thường xuyên bị đầy hơi không nên tiêu thụ quá nhiều lượng probiotics có trong sữa chua hàng ngày.
Ăn thế nào cho tốt?
Chỉ nên ăn sữa chua sau bữa ăn, bởi các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, do đó nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua bị tiêu diệt. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH tăng lên, đó chính là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt.
Bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về, tốt nhất sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần sau khi mua. Khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì để đảm bảo có thể sử dụng sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.
Tác giả: