Gia đình chồng được gọi là “cơ bản”, từ bố mẹ tới các anh chị em đều học vấn cao, việc làm tốt, thu nhập khá, “hơn đứt” nhà chị. Điều đó cũng là áp lực với chị. Nhưng điều làm chị khó chịu nhất là hay bị so sánh với người cũ của anh. Có lẽ người đàn bà ấy đã quá quen thuộc với gia đình chồng chị, đến nỗi mỗi khi chị làm gì, người ta cũng có thể so sánh được với người kia. Khi chị mua hoa về cắm, mẹ chồng chị cũng vội vàng “Con ơi, sao hoa sen không cắm vào bình gốm kia kìa, con Hoa vẫn làm thế, đẹp hơn…”. Hoa à, trong nhà làm gì có ai tên Hoa, chỉ có Hoa – người yêu cũ của chồng chị.
Thỉnh thoảng chị vẫn nghe thấy mẹ chồng nói chuyện với hàng xóm rằng “Chả hiểu sao tự dưng chúng nó chia tay nhau, con Hoa quen nếp nhà này từ bé, hai bên hiểu nhau rồi, chả phải dạy bảo nhiều”, rồi thở dài luyến tiếc. Đôi lần, thấy ông bà đang chơi với cháu mà gặp Hoa đi ngang qua, ông bà lại hớn hở “Cháu về thăm bố mẹ đấy à, tí ghé sang bác chơi đã nhé… Thôi thì không làm con dâu thì làm con gái bác”.
Có lần cô em chồng về nhà chơi, còn gọi tên chị là “Hoa”. Rồi thấy chị làm gì, cô ấy cũng góp ý “Chị đừng làm thế, cứ làm thế này này, như ngày xưa chị Hoa chị ấy hay làm, bố mẹ ưng lắm”. Lúc ấy chị vừa tủi thân, vừa ấm ức, phải làm sao để tẩy não gia đình nhà chồng khỏi hình ảnh cô Hoa nào đó. Không thể nói là chị không ghen và tò mò muốn xem cô Hoa kia thế nào, mà có thế nào thì cũng đâu có nghĩa lý gì khi bố mẹ chồng chị không vượt qua được tâm lý tự nhiên rằng “cá mất là cá to”.
Mọi ấm ức dồn tới đỉnh điểm khi chồng chị cũng so sánh chị với người cũ: Sao em cứ phải suốt ngày đóng trong bộ đồ màu nâu đất, già nua thế, cứ làm như nhà này biến em thành người ở thế. Cứ mặc mấy bộ màu sắc trẻ trung như cô Hoa, à mà cô ấy cũng sắp đẻ đứa thứ hai mà có xồ sề đâu”. Chị nhìn anh trân trân thì anh mới nhận ra mình nói hớ và xin lỗi. Nhưng có lẽ anh chỉ xin lỗi cho có lệ, còn trong thâm tâm anh vẫn nuối tiếc người cũ, vẫn cho rằng người cũ hơn vợ.
Thế nên lần khác, trong cơn say, chồng vẫn gọi tên Hoa, rồi cứ một hai nói vợ “Em phải làm thế này này, sao em không chịu thay đổi chứ”. Chị hiểu anh đang muốn chị thay đổi bản thân mình để giống như cô Hoa, rằng ăn mặc thì phải đồ màu sắc tươi sáng, rằng ra ngoài thì phải trang điểm, ít nhất là có son trên môi, rằng thì hoa sen phải cắm bình gốm… Điều đó chẳng sai nhưng ngay cả nhiều điều chị làm được họ hàng/láng giền khen gợi, thì vẫn không được nhà chồng ghi nhận, họ vẫn ám ảnh rằng “Nhưng nó vẫn không bằng con Hoa, tiếc là…”. Chị vẫn vui vẻ, lịch sự khi tình cờ gặp Hoa về thăm bố mẹ đẻ, vẫn nhẹ nhàng mời Hoa sang nhà “người cũ” chơi. Vậy mà lúc Hoa ra về, mọi người vẫn đon đả và giọng tiếc nuối, không để ý tới cảm xúc của chị.
Chị biết chị cũng cần điều chỉnh để phù hợp với nếp nhà chồng nhưng không có nghĩa chị biến mọi hành động của mình giống cô Hoa nào đó của họ. Sao chỉ chị có nghĩa vụ điều chỉnh bản thân còn chồng và gia đình chồng thì không?
Thế là một lần chồng say, sau khi thay quần áo rửa mặt cho chồng, chị để lại một tờ giấy “Con cá mất bao giờ cũng to. Nhưng mình không đủ sức giữ được con cá to thì hãy thay đổi bản thân để chăm sóc cho con cá nhỏ khác được lớn lên và sẽ lớn hơn con cá to đã mất. Cuộc sống luôn có bù đắp xứng đáng, còn không chú tâm thì đến lúc cá nhỏ cũng mất. Em tạm thời mang con về ngoại nghỉ ngơi một thời gian, em thấy gần đây rất mệt mỏi”.
Hôm sau, khi vừa tỉnh giấc, chị đã thấy bố mẹ chồng và chồng mang quà tới thăm bố mẹ chị, rồi đon đả bảo chị chơi nhanh rồi về, kẻo ông bà nhớ cháu không chịu được.
Tác giả: An Nhiên
-
Thổi bay các cơn giận dữ bằng 4 câu “thần chú” này
-
6 nỗi khổ cha mẹ nên để con trải qua, sau này chúng dễ dàng thành công và biết ơn
-
3 câu nói chữa lành, bạn nên thường xuyên nói với người thân yêu, người mà bạn muốn trao cho họ sức mạnh
-
Người xưa đã dạy: Nhìn vào 3 điều này sẽ biết tương lai của gia đình thế nào, con cháu sẽ ra sao
-
Khi bạn không có tiền, bạn mới hiểu được 3 điều này