Bày trí bàn thờ thần tài ông địa như thế nào mới đúng để tiền vào như nước

( PHUNUTODAY ) - Việc thờ cúng Thần Tài - Thổ Địa là tín ngưỡng có từ lâu của người Việt với mong muốn công việc làm ăn phát đạt, mọi điều suôn sẻ, nhất là với những người làm nghề buôn bán.

Ngoài bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình, ta thường thấy những người kinh doanh còn thờ bàn thờ ông Địa - Thần tài để cầu may mắn, tài lộc trong công việc kinh doanh của mình.

Thần Tài – Thổ Địa là ai?

Thần Tài – Thổ Địa là 2 vị thần đại diện cho 10 vị thần trong đó Thần Tài đại diện cho: Hắc Thần Tài, Xích Thần Tài, Thanh Thần Tài, Bạch Thần Tài và cao nhất là Hoàng Thần Tài. Còn Ông Địa là đại diện cho 5 vị thần gồm: Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế và Trung ương Huỳnh Đế.

Việc thờ cúng Thần Tài - Thổ Địa là tín ngưỡng có từ lâu của người Việt với mong muốn công việc làm ăn phát đạt, mọi điều suôn sẻ. 

Về ngoại hình Thổ Địa (ông Địa) một người trung niên mập mạp, bụng to, ngực lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá... trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phong thịnh, có chút hơi hài hước. Đi theo ông địa thường là chúa Sơn Lâm. Đây là đại diện tiêu biểu cho tính cách đặc trưng của người Nam Bộ. Ông địa gắn liền với tín ngưỡng thờ thổ công của của cư dân nông nghiệp.

Còn Thần Tài thường tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh. Ông là người cai quản tiền bạc và tài lộc của Thiên Đình. Xung quanh Thần Tài có nhiều tích để kể lại.

Như vậy có thể nói tín ngưỡng thờ Ông Địa là tập tục gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp Nam Bộ ngày xưa. Họ thờ Ông Địa để mong được thần linh, thổ công phù hộ cho mùa màng bội thu. Còn tín ngưỡng thờ Ông Thần Tài lại gắn với những người làm ăn buôn bán, họ thờ Thần Tài để cầu cho việc làm ăn phát đạt, suôn sẻ, phúc lộc đầy nhà.

Vì thế Thần Tài – Ông Địa là hai vị thần không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt, đặc biệt với những gia đình làm nghề buôn bán.

Cách bài trí và hướng đặt bàn thờ Thần Tài – Ông Địa theo phong thủy

Ông Địa và Thần Tài là hai vị thần được người dân thờ cúng chung trong một tủ thờ được đặt dưới nền nhà. Tủ thường được làm bằng gỗ, hướng thẳng ra cửa, đặt ở nơi có vách dựa vào để tạo sự vững chắc cho tủ thờ. Đồng thời cũng hàm ý rằng việc kinh doanh sẽ bền vững và phát đạt.

Trên bàn thờ Ông Địa – Thần Tài được dán một bài vị - là lá bùa màu đỏ được viết bằng mực nhũ kim, có nội dung là “Ngũ phương Ngũ thổ Long thần, Tiền hậu địa Chúa Tài thần” được sơn son thiếp vàng, phía trong khảm hoặc dán bài vị của Thần Tài.

Bên trái đặt ông Thần Tài còn bên phải là Ông Địa. Ở giữa hai ông có một hũ gạo, một hũ muối và 1 hũ nước đầy. Ba hũ này sẽ được dùng để thờ quanh năm và đến cuối năm mới được thay mới. Giữa tủ thờ hai ông là một bát hương, bát hương này khi bốc phải chọn ngày tốt và tuân thủ theo một số tập tục nhất định. Để tránh bát hương bị động người ta dùng keo để gắn vào tủ thờ. Nếu trong quá trình lau chùi, thờ cúng bát hương bị xê dịch sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn của gia chủ.

Theo phong thủy thì Đông bình – Tây quả tức là phía Đông đặt bình hoa còn phía Tây đặt hoa quả. Vì thế lọ hoa thường được đặt ở phía tay phải, hoa dùng để thờ cúng Thần Tài – Ông Địa thường là hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa cúc. Đĩa trái cây đặt ở bên trái thường được sắp mâm ngũ quả. Khi thắp nhang gia chủ phải rót 5 chén nước xếp theo hình chữ thập - tượng trưng cho ngũ hành phát sinh, phát triển. Đồng thời 5 chén nước cũng đại diện cho 5 vị thần đã nói ở trên.

 Thường xuyên thay nước và thay hoa trên bàn thờ ông Thần Tài.

Trên nóc bàn thờ ông Thần Tài – Ông Địa người ta thường đặt tượng Phật Di Lặc hay các câu chú Phạn Tự - tượng trưng cho cơ quan chủ quản của các Thần với mục đích là quản lý các Thần không cho làm điều sai trái.

Ngoài ra, ở bàn thờ Thần Tài – Ông Địa gia chủ cũng nên đặt thêm tượng Ông Cóc, sáng quay đầu ra, tối quay đầu vào để rước lộc vào nhà. Khu vực trước tủ thờ, bạn nên đặt một tô sứ thật đẹp, lòng nông, đổ đầy nước rồi ngắt những bông hoa rải trên mặt nước – với hàm ý giữ tiền lại không để trôi đi.

Hoặc bạn cũng có thể đặt kèm một đĩa tỏi có 5 củ còn tươi nguyên đẹp hoặc bó tỏi. Ngày nay ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng Ông Địa – Thần Tài người ta có bán sẵn bông tỏi được làm khá công phu và đẹp mắt để thờ hai ông. Theo quan niệm của dân gian việc đặt tỏi giúp Ông Địa trừ bài “đạo chích vong binh”, chống các Tà Sư làm ác, phá hoại bàn thờ bằng Bùa chú, Ngải.

Thờ cúng Thần Tài - Ông Địa có 4 đặc tính lưu ý như sau đây:

1. Tuy thờ cúng, bàn thờ để dưới đất, nhưng các vị này rất ưa chuộng sự sạch sẽ, sáng sủa. Vì vậy, trong quá trình thờ cúng, ta nên giữ cho các vị này luôn sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên bằng nước sạch. Khi trời mưa to, các bạn bê Thần Tài, Ông Địa, Ông Cóc cho vào một cái thau sạch và để tắm mưa ngoài trời độ 15phút. Sau đó mang vào lau khô, xịt nước thơm và thắp hương xin. Nhiều lần thấy rất Linh diệu

2. Khi cúng Thần Tài - Ông Địa , người ta thường cúng nhiều thứ, nhưng có lẽ các vị này thích nhất là đồ ngọt. Thịt quay, bánh hỏi, chuối, bưởi…. Nếu ở Sài Gòn, nên mua tiền giấy cúng riêng Thần Tài - Ông Địa, người ta làm sẵn cả một bộ, trong đó có tiền Quý Nhân (Âm và Dương - Tức là những tờ giấy gập đôi màu đỏ có đục những hình Thần Tài khắp bề mặt). Thứ tiền này không có bán ở miền Bắc.

3. Cách thắp nhang : Khi mới lập bàn thờ, ta nên thắp nhang liên tục trong 100 ngày để bàn thờ tụ Khí. Tuyệt đối không vì sợ tốn điện mà tắt đèn trên bàn thờ, vì những ngọn đèn đó giống như những ngọn Hải Đăng dẫn đường cho các vị giáng xuống trần. Trong 100 ngày đó mỗi sáng chỉ cần thay nước và thắp một nén nhang. Những lúc cần cầu xin điều gì thì thắp 3 nén cắm theo hàng ngang. Những ngày rằm, mùng một, lễ, tết thắp 5 nén theo hình chữ thập. Nên chọn loại nhang cuốn tàn (giữ được tàn), sau một thời gian sẽ có bát nhang rất đẹp và tụ Khí rất tốt. Chỉ đến ngày 23 tháng Chạp mới rút chân nhang (khi bát nhang quá đầy chân nhang) và đem hóa cùng tiền giấy. Khi hóa xong nhớ đổ một chút rượu vào đám tro.

4. Không để hoa, lá héo úa trên bàn thờ vì khi đó dẫn đến làm ăn khó khăn.

Thần Tài – Ông Địa được thờ cúng vào dịp nào?

Ngày xưa Thần Tài và Ông Địa được thờ cúng vào những ngày Tết. Tuy nhiên hiện nay đa phần các gia đình làm kinh doanh, buôn bán thường thờ cúng chu đáo cho hai ông mỗi ngày với mong muốn được thần phù hộ cho việc kinh doanh thuận lợi, buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt và thịnh vượng.

Sáng sớm mở cửa kinh doanh người ta thường thắp hương khấn ông Thần Tài “phù hộ” giúp cho việc mua may bán đắt. Cúng cho Ông Địa một ly cà phê đen kèm một điếu thuốc lá để ông “độ” cho trong ấm, ngoài êm.

Theo tín ngưỡng của người Việt thì “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", vì thế mỗi khi xây cất nhà cửa, đào ao, đào giếng, mở rộng vườn tược, ruộng đất, đào huyệt, chuyển nhà mới… người Việt thường làm lễ dâng cúng thần “phù hộ độ trì” cho đất đai yên ổn, trong ấm ngoài êm.

Tác giả: Vân Tiên