Triệu chứng bệnh bạch hầu
Bệnh nhân mắc bạch hầu thường có những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng, dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày và bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết của bệnh. Bệnh bạch hầu có thể được điều trị và hồi phục hoặc có thể gây tử vong trong khoảng 6 – 10 ngày, với tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 5 – 10%.
Bệnh bạch hầu có lây không?
Câu trả lời là: CÓ!
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Người bệnh hoặc người mang mầm bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi sẽ phát tán giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu vào không khí. Người khỏe mạnh khi hít phải giọt bắn này sẽ mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp khi người khỏe tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.
Các biến chứng của bệnh bạch hầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các biến chứng của bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, nếu không được xử lý và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chỉ trong 6-10 ngày.
Đường hô hấp tắc nghẽn gây khó thở: Triệu chứng chính của bệnh bạch hầu là viêm họng, đau họng và tổn thương thanh quản. Vi khuẩn bạch hầu tạo ra giả mạc trắng ngà do các mô tế bào bị viêm, lớp giả mạc này bám chặt vào vòm họng. Nếu không được điều trị, giả mạc sẽ phát triển và lấp kín đường hô hấp, gây khó thở và suy hô hấp.
Viêm cơ tim: Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Ngoại độc tố bạch hầu có thể gây ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong đột ngột do trụy tim. Biến chứng này thường xảy ra trong giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, bệnh nhân có tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong cao. Viêm màng bao tim và tràn dịch màng bao tim cũng có thể xuất hiện đồng thời.
Tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê liệt: Độc tố bạch hầu có thể làm tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tê liệt. Biến chứng này thường xảy ra vài tuần sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Liệt màn khẩu cái: Biến chứng này thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh.
Bàng quang mất kiểm soát: Bệnh bạch hầu có thể gây rối loạn chức năng thần kinh bàng quang, khiến người bệnh không kiểm soát được hoạt động của bàng quang, dẫn đến tiểu thường xuyên và tiểu rắt.
Cơ hoành bị tê liệt: Cơ hoành, một cơ quan quan trọng trong hệ hô hấp, có thể bị tê liệt đột ngột do bệnh bạch hầu, gây nguy cơ tử vong cao.
Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi): Biến chứng này có thể xảy ra vào tuần thứ 5 của bệnh, gây liệt chi, cơ hoành và các dây thần kinh vận nhãn.
Tử vong: Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 1/10 bệnh nhân tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có vắc-xin đơn phòng bệnh bạch hầu, nhưng có thể tiêm các loại vắc-xin phối hợp có chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng bệnh bạch hầu vừa phòng nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Phụ huynh cần cho con tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời, cần tiêm nhắc lại lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì khả năng bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian. Những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi, người mắc bệnh mạn tính cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin.
Vắc-xin phòng bạch hầu hiện có trong các vắc-xin phối hợp như vắc-xin phối hợp 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1, và 6 trong 1. Trong đó, vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 dành cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi. Vắc-xin 3 trong 1 dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Vắc-xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý:
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Người có triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch và đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Gội đầu trước hay tắm trước mới tốt cho sức khỏe: Tưởng đơn giản mà 90% đang làm sai?
-
4 loại nước uống vào buổi tối gây căng thẳng mất ngủ
-
Ăn dưa muối, cà muối bị nổi váng trắng có làm sao không?
-
‘Thần dược’ chín đỏ quen thuộc của người Việt: Vừa ngừa ung thư, vừa đẹp da, giảm cân
-
Xung quanh toàn bức xạ gây hại, làm ngay 1 việc để bảo vệ sức khỏe cả nhà