Bệnh lạ rối loạn phân ly ở các em học sinh đang gây hoang mang dư luận là bệnh gì?

( PHUNUTODAY ) - Gần đây, 9 học sinh của điểm trường Nà Bản thường xuyên có biểu hiện lạ, liên tục bị ngất, trở lên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe… khiến cho giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng.

Trước tình trạng 9 học sinh của điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên có biểu hiện lạ như liên tục bị ngất, trở lên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe… giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng.

Theo biểu hiện của các em và sự phân tích của cơ quan y tế, các chuyên gia nghĩ nhiều đến khả năng các cháu mắc bệnh lý hysteria tập thể (rối loạn phân ly), là một nhóm các rối loạn thường gặp và xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.

9 học sinh ở Bắc Kạn mắc bệnh là với những dấu hiệu như nhau (Ảnh minh hoạ)

Theo nhận định của PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 thì các học sinh này có biểu hiện đặc trưng của rối loạn phân ly. Đây không phải là hiện tượng lạ ở Việt Nam. Ở một số trường trung học phổ thông cũng xảy ra hiện tượng như vậy tring vài năm trở lại đây.

“Rối loạn phân ly không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng nó cũng có cơ chế “lây” riêng trong tâm thần. Thậm chí loại rối loạn này có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn. Vì rối loại phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan. Có khi còn bị cho là ma quỷ gây nên”, PGS.TS Đức lý giải.

Một học sinh lớp 5 bỗng nhiên ngất trong lớp học. (Ảnh: Lao Động)

Bác sĩ Đinh Hữu Uân, bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, bệnh lý hysteria không nguy đến tính mạng của trẻ. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị, bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý và trở nên hung dữ hơn.

"Khi trẻ được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn phân ly dựa trên việc xem xét các triệu chứng và lịch sử cá nhân. Để đánh giá mức độ bệnh, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm nhằm loại trừ các điều kiện vật chất - bao gồm cả chấn thương ở đầu, một số bệnh về não. Nếu bác sĩ loại trừ nguyên nhân vật lý, có thể sẽ giới thiệu đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần cho một cuộc phỏng vấn chuyên sâu chỉ ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

Tâm lý trị liệu là điều trị chính cho rối loạn phân ly. Dưới hình thức điều trị, cũng được biết đến như một liệu pháp nói chuyện, tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý xã hội, liên quan đến việc nói về rối loạn và các vấn đề liên quan với một nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần. Trị liệu sẽ làm việc để giúp hiểu được nguyên nhân của tình trạng và hình thành cách thức mới để đối phó với các tình huống căng thẳng. Phương pháp tâm lý trị liệu thường rất hiệu quả trong điều trị rối loạn phân ly”, bác sĩ Uân tư vấn.

 Lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 của trường Tiểu học Xuân Lạc. (Ảnh: Zing News)

Trao đổi với VTC14, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi nhận được công văn, bệnh viện đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn và được thông báo, các cháu bé trên hiện đã đi học trở lại bình thường. Hiện chỉ số sinh tồn của các cháu này bình thường, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong thời gian sớm nhất, bệnh viện sẽ cử đoàn cán bộ tới thăm, khám cho các cháu và kiểm tra các điểm dịch tễ.

Trước mắt, ngay trong đầu tuần tới, Đoàn Thanh niên của bệnh viện sẽ cùng những bác sĩ khoa Thần kinh - Tâm bệnh lên Bắc Kạn tổ chức khám bệnh tình nguyện cho tất cả các học sinh ở điểm trường Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là do các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương.

Đối tượng dễ gặp rối loạn phân ly là những người có nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.

Để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Đặc biệt chú y rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Tác giả: Huệ Anh