Bí mật siêu thị không muốn bạn biết: Chiêu tâm lý ‘rút ví’ khiến bà nội trợ mất tiền không hay

( PHUNUTODAY ) - Bạn từng bước vào siêu thị chỉ định mua vài món, nhưng khi ra lại mang theo cả giỏ đầy ắp hàng hóa? Không phải do bạn thiếu kiểm soát – mà là bởi các siêu thị đã khéo léo giăng sẵn một “ma trận tiêu dùng” tinh vi, khiến bạn móc ví trong vô thức.

Ở càng lâu, mua càng nhiều

Các siêu thị được thiết kế để giữ chân khách hàng càng lâu càng tốt. Bởi càng ở lâu, bạn càng dễ rơi vào trạng thái chi tiêu bốc đồng – mua thêm những món đồ không nằm trong kế hoạch ban đầu.

"Chiêu trò" rau củ: Bẫy tâm lý ăn uống lành mạnh

Bạn có để ý khu vực rau củ quả luôn được sắp xếp bắt mắt, sáng sủa và trông rất tươi ngon? Đây không chỉ là yếu tố thẩm mỹ – mà là chiến thuật tâm lý. Khi nhìn thấy những loại thực phẩm "lành mạnh", người mua sẽ cảm thấy đang tiêu dùng thông minh và dễ dàng chi tiền hơn. Vì vậy, khu ăn vặt thường được đặt ngay gần để "lợi dụng" tâm lý này.

Đánh thức khứu giác: Mùi thơm ngay lối vào

Ngay cửa vào, bạn thường thấy khu vực bán bánh mì mới ra lò, thức ăn nóng hổi như gà quay, thịt nướng... không chỉ đẹp mắt mà còn tỏa mùi thơm khó cưỡng. Điều này đánh thức cảm giác đói bụng, khiến bạn dễ dàng mua thêm đồ ăn dù không dự định ban đầu.

Đi vòng vòng mới tới được món cần mua

Các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, sữa, dầu ăn... thường được đặt ở sâu trong siêu thị. Điều này khiến bạn buộc phải đi qua nhiều gian hàng khác – từ đó bị hấp dẫn bởi vô số món đồ ngoài danh sách.

Các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, sữa, dầu ăn... thường được đặt ở sâu trong siêu thị.

Đập vào mắt luôn là món... siêu lợi nhuận

Dù các sản phẩm cùng loại được trưng bày chung một khu, nhưng vị trí trưng bày lại khác nhau. Thường thì những sản phẩm có lợi nhuận cao nhất sẽ được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy đầu tiên khi bạn bước vào lối đi. Những vị trí "đắc địa" này còn được nhà sản xuất trả phí cao để giành lấy – vì biết rằng đó là nơi dễ khiến bạn móc ví nhất.

“Phủ sóng” thương hiệu bằng cách bày tràn kệ

Cùng một sản phẩm được trưng bày với nhiều hương vị, số lượng lớn khiến thương hiệu trông nổi bật hơn hẳn. Đây là chiêu đánh vào thị giác, tạo cảm giác đáng tin cậy và chất lượng vượt trội, từ đó kích thích khách hàng chọn mua.

Bẫy trẻ em – điều khiển phụ huynh

Những món đồ mà trẻ em yêu thích như bánh, kẹo, đồ chơi thường được đặt ở vị trí thấp, ngang tầm mắt trẻ. Chỉ cần nhìn thấy là các bé sẽ “ra tay”, khiến phụ huynh khó lòng từ chối.

Những món đồ mà trẻ em yêu thích như bánh, kẹo, đồ chơi thường được đặt ở vị trí thấp, ngang tầm mắt trẻ.

Quầy trưng bày luôn đặt ở vị trí “chiến lược”

Các gian hàng trưng bày được bố trí ở những nơi dễ thấy như ngay lối đi chính, góc cua hay khoảng trống rộng rãi. Mục tiêu là thu hút ánh nhìn, khiến bạn dễ dừng lại và cho sản phẩm vào giỏ hàng.

Gạch lát nhỏ – “chiêu” làm bạn chậm lại

Ở một số siêu thị, sàn khu vực sản phẩm đắt tiền được lát bằng gạch nhỏ. Bánh xe đẩy va vào các đường kẻ gây ra tiếng động, tạo cảm giác đang đi quá nhanh và khiến khách hàng vô thức chậm bước – có thêm thời gian để... tiêu tiền.

Sản phẩm lớn – chiếc bẫy “mua nhiều để tiết kiệm”

Các sản phẩm đóng gói lớn thường được dán nhãn “giá tốt”, tạo ảo giác tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu chia đơn giá, bạn có thể đang mua với giá cao hơn mà không hề hay biết.

Thẻ thành viên – không chỉ để tích điểm

Bạn nghĩ thẻ thành viên chỉ để nhận ưu đãi? Thực tế, thẻ này còn thu thập dữ liệu mua sắm của bạn: bạn hay mua gì, vào lúc nào, bao nhiêu tiền. Từ đó, siêu thị tinh chỉnh chương trình khuyến mãi để... khiến bạn tiêu nhiều hơn.

Quầy thanh toán – bẫy cuối cùng

Ngay cả khi bạn chuẩn bị rời đi, siêu thị vẫn chưa buông tha. Khu vực thanh toán dù chật hẹp vẫn dành một góc cho kẹo, pin, nước ngọt, snack... – những món dễ “tiện tay” mua thêm dù không có trong danh sách ban đầu.

Tác giả: Bảo Ninh