Bí quyết chọn gà cúng đêm giao thừa
Theo phong tục của người Việt ta từ xưa, gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng… và quan trọng là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết) thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
Với người Việt, gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Con gà như biểu tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về. Ở các vùng quê, người dân lo mua gà trống choai về nuôi từ tháng 11, chậm là đầu tháng 12 để dành đến Tết. Người ta cúng gà trống với hy vọng nó sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp.
Để chọn gà cúng đêm giao thừa nên chọn những con gà trống tơ nhỏ hơn 1,8 kg. Đứng từ xa quan sát nếu thấy mắt gà sáng thì là gà khỏe, Khi lại gần, sờ diều gà không quá no, quá đói, phân gà như con ốc, mào phải đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè.
Bí quyết chọn gà cúng đêm giao thừa:
Lông gà
Lông bóng mượt, áp sát thân, màu lông sáng.
Chân gà
Chân gà thẳng, thon nhỏ. Da chân vàng đều và sáng bóng. Móng chân bị mòn và bám đen trong khóe móng. Gà trống vừa nhú cựa như hạt bắp.
Da gà
Vạch lông xem thấy da gà mỏng, mềm mại, bóng bẩy; có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh. Qua lớp da có thể nhìn thấy thịt, tia máu ở phần nách, dưới cánh vì da không có mỡ.
Tại sao lại cúng gà vào ngày Tết?
Con gà trống có đủ năm đức tính mẫu mực của một con người mà người đàn ông đặc biệt cần. Cúng gà trống là cầu mong con cháu sau này được hưởng những cái đức tính đó.
Cách đặt gà trên ban thờ
Đặt gà lên đĩa to, tháo dây và bày ngay ngắn, mỏ cài bông hoa hồng đỏ rực, lòng bày dưới bụng. Bày thêm một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và một ít lá chanh thái chỉ cho thêm phần hấp dẫn.
Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”. Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”.
Tác giả: Hang Dinh