Biệt phủ 4000 m2 gây choáng ngợp một vùng của vị Tổng đốc giàu có nức tiếng ở Lạng Sơn

( PHUNUTODAY ) - Dòng họ Vi có gốc ở Nghệ An. Sau khi có công đánh đuổi giặc Minh xâm lược, họ được triều đình ban đất đai và giao cho trọng trách trấn giữ biên cương ở Lạng Sơn. Tại đây, họ kết hôn với người dân tộc Tày và sinh ra thế hệ con cháu họ Vi ở Lạng Sơn.

Ông Vi Văn Định (1878-1975) là đời thứ 13 kể từ khi cụ tổ lên đây lập ấp. Ông thay cha đảm trách việc quan, trấn ải một vùng rộng lớn khu vực biên giới phía Bắc. Năm 1928, triều đình nhà Nguyễn điều ông về nhậm chức ở Thái Bình, thăng làm Tổng đốc. Sau đó ông tiếp tục làm Tổng đốc Hà Đông và được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo, nghỉ hưu năm 1942.

Sau này ông đi theo cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Bức ảnh gia đình Tổng đốc Vi Văn Định ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang năm 1948. Người chống ba-toong là ông Vi Văn Định, người đứng bên phải là GS Hồ Đắc Di; đứng hàng sau, bên trái là TS Nguyễn Văn Huyên; cùng ba tiểu thư nhà họ Vi: Vi Kim Ngọc, Vi Kim Phú, Vi Nguyệt Hồ. Kháng chiến thành công, ông về sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Vi Văn Đài (SN 1944) -Trưởng tộc họ Vi (cháu nội Tổng đốc Vi Văn Định), cho biết: "Dòng họ Vi đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) lập thái ấp. Bản Chu là một ngôi làng khá cổ kính, xung quanh có những rặng núi cao bao bọc, nằm men theo con sông Kỳ Cùng. Đầu thế kỷ 20, ông nội tôi cho khởi công xây dựng khu biệt phủ rộng 4.000 m2".

Một góc biệt phủ khi mới xây dựng.

Trải qua thăng trầm, hiện nay khu biệt phủ chỉ còn lại 3 cánh cổng. Đây là cổng chính dẫn vào phủ được xây bằng gạch nung, vôi, cát. Sau khi Tổng đốc Vi Văn Định rời khỏi Lạng Sơn theo cách mạng, nơi đây không ai chăm sóc, bảo quản. Năm 1979, căn biệt phủ rộng hàng nghìn m2 đã bị san lấp bởi đạn pháo trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Xưa kia, khu dinh thự này được bắt đầu từ con đường dài dẫn vào biệt phủ với 2 hàng phượng vĩ và 3 cái ao lớn xếp hình vòng cung, tạo nên thế phòng thủ vững chắc cho cả khu vực với chỉ một đường ra, một đường vào.

Ông Hoàng Văn Báo (SN 1949) - người trông nom khu tưởng niệm, nhà thờ tổ họ Vi, đưa phóng viên đi thăm quan những dấu tích còn lại của khu biệt phủ.

Toàn bộ tường, cổng được xây bằng gạch, kết dính bằng hỗn hợp tro, đường phên và nhựa dây tơ hồng. Chất liệu này có độ bền chắc, khó bong tróc theo thời gian.

Trụ sắt - vết tích còn lại của cổng chính và một phần mái cổng còn lại.

Nhà thờ Tổ họ được gia tộc họ Vi khánh thành vào năm 2017 trên một phần diện tích nhỏ của khu biệt phủ cũ.

Cây sui được Tổng đốc Vi Văn Định trồng, nằm ngay lối dẫn xuống giếng nước cổ có tên Bó Lài.

Giếng nước cổ Bó Lài nằm cạnh nhánh sông Kỳ Cùng được Tổng đốc Vi Văn Định xây năm 1910. Ông Báo chia sẻ: "Thành giếng cao 2 m, xây bằng gạch nung. Giếng mang hình dáng chiếc trống đồng với “đai trống” là 2 vòng tròn đắp nổi. 100 năm nay giếng luôn đầy, không bao giờ cạn. Nước trong vắt nên người dân vẫn ra đây lấy mang về dùng trong sinh hoạt".

42 bậc lên xuống giếng làm bằng đá cuội. Tay vịn cầu thang bằng bê tông. Chữ số đánh dấu năm xây giếng là 1910.

Ông Ba Huy Huấn (SN 1957) - trưởng thôn Bản Chu B, xã Khuất Xá, Lộc Bình cho biết: "Nguyên bản khu biệt phủ rất rộng lớn. Địa phương có hướng bảo tồn, tôn tạo lại khu biệt phủ tuy nhiên công tác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngày tôi còn nhỏ, các cụ trong thôn vẫn kể cụ Vi Văn Định là người có tâm với bà con. Thế hệ chúng tôi ai cũng mong gìn giữ những di tích còn lại của cụ".

Tác giả: Mộc