Các cụ nói "Tắm sáng hại dương, tắm tối hại âm": "Hại dương, hại âm" ở đây là gì? Vì sao lại hại?

( PHUNUTODAY ) - Theo kinh nghiệm của người xưa "Tắm sáng hại dương, tắm tối hại âm". Tại sao lại nói như vậy? và nên tắm lúc nào là tốt nhất?.

Tắm hàng ngày không những giúp bạn thư giãn, giảm stress và hồi phục sự cân bằng giữa tinh thần và trí tuệ mà còn giúp bạn tăng cường sự tập trung trí não và năng lượng sau cả ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng có phải lúc nào cũng tắm được, theo kinh nghiệm của người xưa nói “Tắm sáng hại dương, tối tắm hại âm”. Vậy nên đi tắm lúc nào để vừa đảm bảo sức khỏe, lại vừa giúp cơ thể thư giãn?

1. Quan điểm: Tắm sáng hại dương

Buổi sáng chính là thời gian cơ thể có nhiều năng lượng nhất. Theo quan niệm người xưa, nếu bạn chọn tắm buổi sáng sẽ có ảnh hưởng đến sức sống của bạn. Bởi tắm suy cho cùng cũng là một hoạt động làm tiêu hao năng lượng. Nên việc đi tắm buổi sáng có thể khiến năng lượng dương trong cơ thể bị cạn kiệt, không còn đủ năng lượng để làm những việc có trong ngày. Người xưa nói “tắm sáng hại dương” chính là vì thế. Đặc biệt, những người có thói quen tắm sau khi ngủ dậy, lúc này bụng đang đói, mà việc tắm lại đốt cháy rất nhiều calo. Nên với những người có đường huyết thấp hoặc thể trạng yếu thì rất dễ bị ngất xỉu.

Nhưng, theo một số nghiên cứu của nước ngoài., thói quen tắm vào buổi sáng có thể hỗ trợ dòng máu chảy lên bề mặt da và giúp cải thiện lưu lượng máu. Nó sẽ giúp bạn thư giãn tinh thần tốt hơn và lạc quan hơn. Bạn nhận được lợi ích này là do lưu lượng máu đến não tăng lên, giúp hỗ trợ chức năng tổng thể của các tế bào thần kinh và đẩy lùi căng thẳng. Các nghiên cứu đã chỉ ra thói quen tắm vào buổi sáng có thể giúp cơ thể bạn sản xuất nhiều tế bào bạch cầu giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Điều này cũng giúp bạn chống lại vi khuẩn, virus và các vi sinh vật khác gây bệnh. Người nước ngoài duy trì thói quen tắm sáng sau khi tập thể dục.

2. Quan niệm: Tắm tối hại âm

Hầu hết chúng ta đều chọn tắm vào ban đêm. Sau một ngày bận rộn, việc được tắm rửa sẽ khiến cơ thể thư giãn, thoải mái, giấc ngủ sâu và ổn định hơn. Vậy tại sao người xưa nói “tắm tối hại âm”? Người xưa nói câu này là ám chỉ hành động tắm vào lúc khuya. Khi ấy, cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng cảm lạnh, thậm chí là đột quỵ.

Việc tắm rửa có rất nhiều lợi ích, như thúc đẩy lưu thông máu, giảm căng thẳng mệt mỏi trong ngày, giãn các cơ trên cơ thể, giúp giấc ngủ ban đêm ngon giấc hơn. Nhưng khi tắm bạn cũng nên lưu ý là không nên tắm quá khuya, nên giữ ấm cho cơ thể sau khi tắm xong để tránh bị hàn khí xâm nhập.

Trên thực tế chẳng có thời gian nào cố định cho việc tắm rửa, nhưng bạn hãy cố gắng lựa chọn thời điểm thích hợp nhất với lịch sinh hoạt và thể trạng của cơ thể. Nhưng bạn nên lưu ý một số điều sau để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:

Không tắm khi quá đói hoặc quá no. Tốt nhất bạn nên tắm sau khi ăn 1–2 giờ;

Không tắm lúc mệt mỏi;

Không tắm sau khi uống rượu;

Không tắm sau khi quan hệ tình dục. Sau khi làm “chuyện ấy”, bạn nên dành 5–10 phút để tâm sự hay nghỉ ngơi với người yêu trước khi đi tắm;

Không đi ngủ ngay sau khi tắm;

Tốt nhất không gội đầu vào ban đêm.

Tác giả: Vũ Thêm