Tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính thống nhất và chính tả tiếng Việt có tính nhất quán rất cao. Tuy nhiên, do tiếng Việt có nhiều phương ngữ từ nhiều vùng miền khác nhau nên nó cũng có những nét dị biệt trong việc phát âm. Sự khác biệt thể hiện cả ở cách dùng từ giữa các vùng và tạo ra ấn tượng về sự tồn tại trong thực tế ba “giọng” nói khác nhau tại Việt Nam cụ thể: “Giọng miền Bắc, giọng miền Trung và giọng miền Nam”, tương ứng với ba vùng phương ngữ khác nhau là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Những lỗi chính tả thường hay gặp nhất
Các lỗi về dấu câu và cách trình bày
Trước khi viết hay, cần phải viết đúng và dấu câu giúp phân định ranh giới của các câu, giữa các vế nội dung, giúp người viết diễn đạt nội dung một cách rõ ràng, mạch lạc. Theo đó, các dấu dùng để kết thúc câu như dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm phải được viết dính liền với chữ cuối cùng của câu.
Ví dụ:
Hôm nay là thứ ba. (dấu chấm viết sát chữ a) - Đây là cách viết đúng
Ví dụ cách viết sai:
Hôm nay là thứ ba . (dấu chấm hỏi viết cách chữ a một khoảng trắng)
Những từ nhiều người thường viết sai
“Dành” và “giành”
Hai từ Dành và Giành khiến nhiều người dễ mắc lỗi chính tả. Để tránh sai lỗi này, bạn lưu ý từ “Dành” là động từ mang theo nghĩa tiết kiệm, cất giữ hoặc chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, phần này dành cho bạn (tương đương với “phần này thuộc về bạn”). Từ Giành: động từ chỉ sự tranh đoạt được sử dụng trong từ giành giật, tranh giành.
Một số quy tắc chính tả
Ch/tr:
Cụ thể chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm như oa, oă, oe, uê. Do đó nếu gặp các vần này, ta dùng ch. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuệch choạc, chuếnh choáng…
Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Ví dụ: trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu...
Thêm vào đó, những từ chỉ vật dụng quen thuộc hoặc các mối quan hệ trong gia đình thường có âm đầu là ch. Những từ mang nghĩa phủ định cũng có âm đầu là ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo,... chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chả, chạy, chặt, chắn, chẻ,... cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt,… chẳng, chưa, chớ, chả.
R/d/gi:
Chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: dọa nạt, kinh doanh, duy trì, hậu duệ…
Tham khảo thêm cách viết chính tả đúng trên website: https://hayhoc.net/
Cách để viết chính tả đúng
Có những lỗi chính tả mà nhiều người đang viết sai mà không biết mình viết sai do bạn đã quen thuộc với chúng trong thời gian dài. Để khắc phục được việc sai chính tả cần phải đọc phát âm đúng và viết nhiều. Sau khi viết xong bài, bạn có thể nhờ một người giỏi về tiếng Việt đọc bài viết của bạn và nhờ họ góp ý, sau khi đã biết được lỗi sai thì hãy ghi nhớ chúng để không phạm phải lần sau.
Cách tra từ điển cũng khá hữu dụng với những người hay sai chính tả. Việc tra từ điển tiếng Việt (nếu không có từ điển giấy, có thể tra từ điển online trên mạng) để kiểm tra những từ mà bạn không nhớ rõ cách viết hoặc những từ mà bạn nghi ngờ.
Có một số lỗi không phải do bạn sai chính tả mà là do lỗi đánh máy. Sau khi viết, hãy kiểm tra lại cẩn thận bài viết của bạn để tìm sửa những lỗi này hoặc cài thêm phần mềm kiểm tra lỗi chính tả trên máy tính để khắc phục những lỗi sai không đáng có.
Hi vọng qua bài viết này có thể giúp bạn đọc phân biệt được cách sử dụng đúng chính tả.
Tác giả: M