Say nắng là gì?
Say nắng là một thể của say nóng, là bệnh do tăng thân nhiệt. Say nóng là một phản ứng viêm toàn thể khi thân nhiệt trên 40,6oC, làm biến đổi tri giác và sự rối loạn các chức năng sống. Say nóng thường xảy ra trong những đợt nắng nóng hoặc ở nơi có nhiệt độ cao như trong hầm lò, lò nung gạch, đám cháy, ở dưới ánh nắng mặt trời quá lâu…
Dấu hiệu say nắng, say nóng
Say nắng chỉ xảy ra với người hoạt động ngoài trời nắng. Một người bị say nắng thường có biểu hiện: sốt cao trên 39,8oC, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất. Say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.
Say nóng: da bệnh nhân bị lạnh và ẩm ướt (do gắng sức, da thường ẩm), tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút (vọp bẻ); mạch nhanh và yếu; loạn nhịp tim, hạ huyết áp; hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn; rối loạn thần kinh trung ương: động kinh và hôn mê; suy gan và thận, rối loạn đông máu…
Khi gặp một người say nóng, cần chú ý phân biệt với các bệnh: ngộ độc thuốc, hội chứng thần kinh ác tính của các thuốc hướng thần, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn thần kinh trung ương…
Dấu hiệu trẻ em bị say nắng: trẻ mệt mỏi, mắt lờ đờ; cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt có thể lên đến 40-41oC; nhịp thở nhanh nông; mạch yếu, khó bắt hoặc không bắt được. Nếu trẻ say nắng nặng, trẻ có biểu hiện: cơn co giật, hôn mê.
Sơ cứu ban đầu với người say nắng
Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong khi đợi y tế đến, đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát và cởi bỏ các quần áo không cần thiết.
Nếu có thể, nên đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân rồi sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3-38,8 độ C. Trường hợp không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu ngay bằng các phương pháp làm mát sau:
- Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.
- Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.
- Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.
Một người đã hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhậy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần sau đó. Vì vậy, tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định bạn đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.
Tác giả: