Cách thiết kế lối thoát hiểm nhất thiết phải có dành cho nhà ống phòng khi hỏa hoạn xảy ra

( PHUNUTODAY ) - Việc thiết kế nhà phố sao cho vẫn tận dụng tối đa diện tích mà lại có thể dễ dàng thoát thân khi không may xảy ra hỏa hoạn đang được rất nhiều người quan tâm.

Phần lớn những ngôi nhà phố đều có một bất lợi đó là hẹp và sâu, diện tích nhỏ, không gian xung quanh là những ngôi nhà cao tầng san sát. Chính vì vậy trong thiết kế nhà ống ở đô thị người ta thường quan tâm đến sự phân bố các phòng, các tiện ích mà ít ai nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng trộm cắp nên trong xây dựng nhà phố các gia chủ thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa năm bảy lớp, không làm cửa hậu hay lối trổ lên mái và xây bít ban công bằng khung sắt. Thế nên khi xảy ra sự cố thì không có đường thoát và rất dễ bị ngạt.

Tuy nhiên, các kiến trúc sư đã có những khuyến cáo tới người dân trong việc cần phải thiết kế lối thoát hiểm để đề phòng những sự cố có thể xảy ra nhằm đảm bảo sự an toàn của bản thân cũng như gia đình gia chủ.

Tốt nhất ngay từ khi thiết kế ngôi nhà, chủ nhà cần tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy cơ bản nhất: Mỗi phòng trong nhà cần có ít nhất 2 lối thoát, lối thoát xa nhất không quá 25m tùy thuộc quy mô công trình nhà phố hay chung cư. Bên cạnh đó, nếu cửa thoát hiểm làm bằng cửa kính thì gia đình nên trang bị búa hoặc dao cắt kính, chốt mở cửa không chỉ đảm bảo an toàn mà cần phải thuận tiện.

Chủ nhà có thể áp dụng các giải pháp sau:

- Làm cầu thang thoát hiểm lên mái: Thông thường nhà nào cũng có tầng mái để bồn nước nên đều thiết kế thang cố định lên thăm mái. Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu sang nhà hàng xóm khi có sự cố.

- Nhà nên có sân thượng và giếng trời: Sân thượng là một khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu tương tự như ban công. Tuỳ vào địa hình cụ thể mà người bị nạn có thể sang nhà hàng xóm kế bên, hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới. Giếng trời trong nhà phố giúp thông thoáng và thoát khói thẳng lên trên.

- Bố trí mỗi tầng có ít nhất hai lối thoát hiểm: Một lối ra cầu thang (lên hoặc xuống) và một lối thoát ra cửa sổ, ban công.

- Nên làm cửa có cánh đóng mở: Các loại cửa sắt kéo, cửa nhôm cuốn không thuận tiện cho việc thoát hiểm. Các loại cửa trong nhà như cửa phòng, mở ra ban công, sân thượng nên sử dụng chốt khóa đơn giản, dễ vận hành; nên dùng khóa bằng các loại chốt, giảm số cửa dùng chìa.

- Những nhà nếu không có ban công, sân thượng thì khung bảo vệ cửa sổ nên gắn bản lề (có khóa) để mở khi cần thiết.

- Trang bị ô lưới để thoát hiểm. Với nhà phố hiện nay, lối thoát hiểm ra ban công mặt tiền với ô lưới là lựa chọn tốt nhất vì nó có thể đáp ứng cả 2 yêu cầu: vừa bảo đảm vệ ngôi nhà và vừa là phương án thoát hiểm khi cần.

 Để đảm bảo an ninh và riêng tư, chủ nhà có thể dùng hệ lam bao kín nhưng nhất định phải mở được cửa.

- Ngoài ra, để phát hiện nguy cơ cháy nổ trong gia đình, chủ nhà cần trang bị camera báo cháy. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiển tra các thiết bị cứu hỏa cũng như lối thoát hiểm trong nhà để chủ động hơn trong việc đối phó khi có hỏa hoạn.

Tác giả: Vũ Hồng Loan