Cải cách tiền lương 2024: 1 đối tượng công chức có thể được tăng lương tới 21 triệu đồng/tháng

( PHUNUTODAY ) - Khi thực hiện cải cách tiền lương, một đối tượng có thể được nhận tới 21 triệu đồng/tháng.

Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương

Theo nghị quyết, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.

Cùng với cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù thì từ 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023. Mức hưởng theo cơ chế đặc thù này không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024.

Nghị quyết Quốc hội nêu rõ, tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Từ 1/7/2024, tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước bãi bỏ, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước không tiếp tục áp dụng.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 8. Quốc hội yêu cầu bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

Các bộ, ngành, địa phương được phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cũng nêu rõ, trong năm 2024 thu ngân sách Nhà nước hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Quốc hội cũng đồng ý chuyển 19.040 tỷ đồng cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư của một số địa phương sang bố trí dự toán năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Với chi ngân sách, Quốc hội đồng ý trong năm 2024, chi hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách ở mức 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP); trong đó, bội chi ngân sách Trung ương 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,4% GDP); bội chi ngân sách địa phương 26.500 tỷ đồng (tương đương 0,2%GDP). Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước 690.553 tỷ đồng.

Đối tượng công chức nào được hưởng lương 21 triệu đồng/ tháng?

Sau cải cách tiền lương, mức lương của công chức, viên chức (trình độ đại học) và chuyên gia sẽ tăng đáng kể. Dao động trong khoảng từ 4,8 triệu đồng tới 21 triệu đồng, tùy từng vị trí việc làm và hệ số tiền lương đơn vị sắp xếp theo thang bảng lương.

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Theo đó, mức lương trung bình của công chức, viên chức trình độ đại học cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay, công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng, nếu tăng hệ số lên 2,68 thì mức tiền lương của nhóm công chức mới ra trường sẽ đạt mức là hơn 4,8 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay. Nếu tăng hệ số 10 lên 12 thì mức lương của chuyên gia cao cấp sẽ tăng lên khoảng hơn 21 triệu đồng/tháng.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và 10% tiền thưởng.

- Xây dựng 2 bảng lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 sẽ tiến hành bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương. Thay vào đó là xây dựng 2 bảng lương mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, việc chức, gồm:

1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã;

1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

Tác giả: Thạch Thảo